Hiệu quả từ đồng vốn quý giá
Xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) là một trong những địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiêu biểu của TP. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi thành công 119ha ruộng trũng ở 2 thôn Từ Châu và Châu Mai thành khu trang trại kết hợp thả cá - nuôi vịt - trồng cây ăn quả cho giá trị cao. Với đàn thủy cầm trên 80.000 con, Liên Châu còn là xã có đàn thủy cầm lớn nhất huyện Thanh Oai. Riêng thôn Châu Mai có hơn 100 hộ nuôi vịt, nhiều hộ nuôi quy mô từ 5.000 - 8.000 con vịt đẻ nên nhu cầu về vốn phát triển sản xuất là rất lớn.
Hộ ông Nguyễn Văn Thanh, ở thôn Từ Châu, xã Liên Châu được tiếp cận nguồn vốn QKN từ năm 2018. Đến nay, gia đình ông đã được vay 2 lần, mỗi lần 2 năm. Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn hiệu quả, phí quản lý lại thấp nên ông Thanh thường trả nợ trước hạn. Nếu như trước kia, với 2 ao nuôi cá, mỗi năm gia đình ông chỉ thu khoảng 10 tấn cá thương phẩm thì 5 năm gần đây đã thu được 50 tấn cá thương phẩm/năm. “Thời gian tới, với mục tiêu mở rộng quy mô nuôi cá thương phẩm và sản xuất cá giống nên nhu cầu vay nguồn vốn lớn là rất cần thiết. Tôi cũng đã lập phương án sản xuất để tiếp tục được QKN TP thẩm định, giải ngân đáp ứng nguyện vọng làm ăn chính đáng của gia đình” - ông Thanh chia sẻ.
Thống kê của Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai cho thấy, trong 10 tháng năm 2023, QKN Hà Nội đã giải ngân trên địa bàn huyện Thanh Oai đã giải ngân 2 đợt cho 17 hộ vay vốn với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng, trong đó cho 15 hộ vay sản xuất gần 6,5 tỷ USD, cho 2 hộ vay cơ giới hóa 820 triệu đồng. Riêng trên địa bàn xã Liên Châu, QKN Hà Nội đã giải ngân cho 11 hộ vay với số tiền 6,02 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, các mô hình vay vốn QKN Hà Nội đã góp phần không nhỏ trong định hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, trong quá trình thẩm định, phê duyệt phương án vay vốn, QKN Hà Nội còn có vai trò cầu nối hiệu quả cho các hộ nông dân thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững.
Khuyến khích cho vay theo chuỗi giá trị
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 3 năm qua (2020, 2021, 2022), nông dân trên địa bàn TP gặp rất nhiều khó khăn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo sát tình hình, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tham mưu cho Sở NN&PTNT hỗ trợ nông dân, chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn QKN Hà Nội nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, lãnh đạo Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ các trạm khuyến nông, tiểu ban QKN tổ chức thẩm định, họp và giải ngân bằng hình thức trực tuyến để bảo đảm tiến độ. Đáng chú ý, bên cạnh nguồn vốn QKN giải ngân cho các hộ, Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp từng hộ nắm tình hình và hướng dẫn kỹ thuật. Cùng với đó, kết nối với các DN để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đánh giá, nguồn vốn QKN đã mang lại hiệu quả kép khi vừa hỗ trợ nguồn vốn, vừa giúp nông dân, chủ trang trại được tiếp cận với khoa học kỹ thuật và tư vấn kỹ về lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian qua, hiệu quả cho vay theo mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp hay phát triển cơ giới hóa (máy gặt, máy cấy…) đã mang lại hiệu quả cao đáng ghi nhận.
Do đó, việc cho vay QKN đang dần hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị. Cụ thể, chuyển đổi từ kinh tế hộ, tổ hợp tác lên thành các hợp tác xã. Trên cơ sở các mô hình sản xuất như vậy, nguồn QKN sẽ khuyến khích cho vay theo chuỗi giá trị; đồng thời, đẩy mạnh kết nối các DN liên kết với hợp tác xã. Thực tế hiện nay trên địa bàn TP đã có những mô hình DN liên kết các cánh đồng sản xuất trên 50ha lúa hữu cơ, hay hợp tác xã canh tác và tiêu thụ vùng rau hữu cơ với quy mô lớn…