Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyền lợi của người bệnh HIV tham gia BHYT

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến quyền lợi của người bệnh HIV khi tham gia BHYT, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, Luật BHYT tạo điều kiện tối đa để người bệnh được hưởng BHYT một cách thuận lợi, công bằng.

Theo đó, trường hợp bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại một trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện của tỉnh khác nhưng đang điều trị thuốc ARV tại bệnh viện (BV) tuyến tỉnh của tỉnh khác thì cơ quan BHXH sẽ tạo mọi điều kiện để bệnh nhân chuyển đăng ký KCB BHYT ban đầu về BV/TTYT tuyến huyện của tỉnh mà người bệnh đang điều trị. Nếu người bệnh tiếp tục muốn điều trị BHYT tại BV tuyến tỉnh thì cần có giấy chuyển tuyến một năm/lần từ cơ sở điều trị tuyến nơi người bệnh đăng ký KCB BHYT ban đầu.
Trường hợp bệnh nhân không muốn điều trị ARV bằng nguồn BHYT và muốn tự chi trả, cơ sở điều trị có thể đàm phán với nhà cung ứng và đặt hàng mua của nhà cung ứng một số lượng thuốc nhất định để phục vụ cho các bệnh nhân sẵn sàng tự chi trả chi phí điều trị.
Trước ý kiến băn khoăn, trường hợp bệnh nhân đi làm ăn xa, dùng thẻ BHYT đến cơ sở điều trị khác để khám và nhận thuốc ARV, quy trình quản lý bệnh nhân sẽ ra sao, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 27/2018/TT-BYT: “Trường hợp người đang điều trị thuốc kháng HIV đi công tác có thời hạn, làm việc lưu động, học tập tại các địa phương khác có thời gian dài hơn thời gian cấp thuốc kháng HIV ngoại trú quy định hoặc người đang điều trị thuốc kháng HIV nhưng tạm trú tại địa phương khác thì người bệnh được KCB tại cơ sở KCB tương đương tuyến kỹ thuật ghi trên thẻ BHYT và có KCB HIV/AIDS, trường hợp cơ sở KCB tuyến tương đương ghi trên thẻ BHYT không điều trị HIV/AIDS thì người bệnh được KCB tại cơ sở tuyến huyện có KCB HIV/AIDS hoặc chuyển tuyến chuyên môn theo quy định”.
Như vậy, trước khi đi công tác, làm ăn xa... người bệnh đến cơ sở mà đang được điều trị ARV để đề xuất và được giới thiệu chuyển tuyến KCB tại nơi công tác, làm ăn xa... (người đi công tác, làm ăn xa... phải xuất trình ngoài thẻ BHYT, giấy xác nhận nhân thân phải xuất trình bản chính hoặc bản chụp giấy công tác, giấy cử đi học tập hoặc giấy xác nhận tạm trú...) để cơ sở đang điều trị ARV chuyển tuyến KCB cho người bệnh theo đúng quy định và quản lý được quá trình điều trị ARV liên tục của người bệnh.
Những bệnh nhân ngoại tỉnh đang điều trị tại Hà Nội không mua được BHYT tại Hà Nội, người bệnh cần mang theo thẻ BHYT, giấy xác nhận tạm trú tại Hà Nội đến cơ quan BHXH quận, huyện Hà Nội để chuyển đăng ký KCB tại BV tuyến huyện, phòng khám đa khoa tại Hà Nội. Đối với trường hợp người bệnh chưa có thẻ BHYT thì sẽ được hướng dẫn tham gia BHYT tại địa phương nhưng xin đăng ký KCB tại cơ sở là BV tuyến huyện, TTYT huyện 2 chức năng, phòng khám đa khoa tại Hà Nội.