Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại đơn vị mình. Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó và quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn”

Đây là yêu cầu được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hà Nội nêu ra tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025” do Thành uỷ Hà Nội tổ chức diễn ra mới đây.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025” do Thành uỷ Hà Nội tổ chức diễn ra mới đây.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025” do Thành uỷ Hà Nội tổ chức diễn ra mới đây.

Xây dựng, thực hiện 15 chuyên đề phòng chống tham nhũng

Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, ngay sau khi Thành ủy ban hành Chương trình số 10-CTr/TU và thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU đã ban hành Quy chế làm việc; xây dựng, thực hiện 15 chuyên đề, đề tài tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, phức tạp…

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị thành phố đã tổ chức 3.208 cuộc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với 81.448 lượt người tham gia. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng với 1.154 trường hợp.

Các cấp ủy Đảng từ Thành phố đến cơ sở đã tiến hành kiểm tra đối với 3.542 tổ chức Đảng, 992 đảng viên; giám sát đối với 2.212 tổ chức Đảng, 1.098 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 317 lượt tổ chức Đảng và 758 đảng viên, kết luận 122 tổ chức Đảng (chiếm 38%) và 332 đảng viên (chiếm 44%) có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 17 tổ chức Đảng và 236 đảng viên.

Toàn Thành phố triển khai 691 cuộc thanh tra; đã kết luận 420 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 50,593 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 1.080m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 104 tập thể và 172 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ án, 133 vụ việc có dấu hiệu phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật…

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10-CTr/TU.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10-CTr/TU.

Phòng chống tham nhũng từ việc làm cụ thể

Theo Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến, việc thực hiện có hiệu quả Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, tạo sự đoàn kết trong Đảng bộ và chính quyền từ quận đến phường. Đồng thời giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy và công tác quản lý của chính quyền.

Để có được những kết quả đó cần phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Các cấp ủy phải quan tâm lãnh đạo chính quyền cùng cấp đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính. Đặc biệt, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát của Đảng, thanh tra của chính quyền. Tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vận động cán bộ, hội viên, các tầng lớp Nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng.

Với vai trò, chức năng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, việc tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ mang tính xã hội, không mang tính quyền lực nhưng được bảo đảm bằng sức mạnh của dư luận xã hội, sự đồng thuận của Nhân dân và xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng, là cơ sở giúp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành phố đã tập trung chỉ đạo xử lý 57 vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã kết thúc theo dõi chỉ đạo 12 vụ án, vụ việc; tiếp tục chỉ đạo 45 vụ việc, vụ án.   

Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã chủ động xây dựng Chuyên đề số 08 về “Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn dân cư thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Qua hai năm tổ chức thực hiện, đã tham gia giám sát 6.521 công trình, dự án và phát hiện 435 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 418 vụ. Ban Thanh tra Nhân dân giám sát 10.743 cuộc, phát hiện 1.270 vụ vi phạm, kiến nghị 1.208 vụ được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 1.174 vụ (chiếm 97,18%).

Liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng trong thực thi công vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, khi thực hiện đúng, nghiêm quy chế, quy trình thực thi công vụ cũng sẽ giúp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiền bạc, nguồn lực của Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Từ đó, sẽ tạo ra những động lực tích cực để phát triển kinh tế - xã hội.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, thời gian tới cần tăng cường kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy trình thực thi công vụ trong các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các sở, ngành có đặc thù công việc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Cùng với việc xây dựng các chuyên đề kiểm tra sâu, cần tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất, không báo trước nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm sai phạm.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10-CTr/TU.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10-CTr/TU.

Quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó

Nhấn mạnh tầm quan trọng của phòng chống tham nhũng trong xây dựng Đảng, chính quyền, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành ủy Hà Nội luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.

Do đó, Bí thư Thành ủy đề nghị, cả hệ thống chính trị Thành phố tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và của Thành phố. Đặc biệt là các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; gắn với thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

“Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tại tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình và phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí xảy ra tại đơn vị mình. Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó; quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu phải tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí. Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đồng thời phải có chủ trương khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; kiên quyết chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại, né tránh, đùn đẩy công việc.