Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh bao gồm Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+, vừa quyết định gia hạn kế hoạch tự nguyện cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày cho tới hết quý 2 năm nay.
SPA, hãng Thông tấn Nhà nước Ả Rập Saudi, ngày 3/3 dẫn nguồn tin chính thức từ Bộ Năng lượng nước này cho biết, Riyadh sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện, với lượng giảm 1 triệu thùng/ngày, cho đến cuối quý 2. Theo đó, sản lượng dầu thô của Ả Rập Saudi sẽ dao động quanh ngưỡng khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 6 năm nay.
Về phía Nga, Phó Thủ tướng Alexander Novak thông báo, nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô và lượng xuất khẩu dầu thô tổng cộng 471.000 thùng/ngày trong quý 2.
Theo hãng thông tấn nhà nước INA (Iraq) và WAM của UAE, các nhà sản xuất chủ chốt khác của OPEC là Iraq và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện đến hết quý 2, với lượng cắt giảm lần lượt là 220.000 thùng/ngày và 163.000 thùng/ngày.
Hồi tháng 11 năm ngoái, nhóm OPEC+ ra quyết định duy trì chương trình giảm sản lượng chính thức của nhóm, với mức tổng giảm 2 triệu thùng/ngày, cho đến cuối năm 2024.
Bên cạnh thỏa thuận này, một số thành viên chủ chốt của OPEC+, bao gồm Ả Rập Saudi và Nga, cũng tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày cho đến hết quý 1/2024.
Việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện cho thấy quyết tâm của OPEC+ nhằm đẩy giá dầu tăng dù quyết định này có thể khiến các nước thành viên trong liên minh mất thị phần vào tay những nhà cung cấp dầu khác, nhất là các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ.
Ông Jorge Leon - Phó Chủ tịch của công ty tư vấn năng lượng Rystad nhận định việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết tháng 6/2024 cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của OPEC+ nhằm bảo vệ mức giá sàn trên 80 USD/thùng trong những tháng tới.
Quyết định mới nhất của OPEC+ được dự báo sẽ nâng đỡ thị trường dầu trước những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và sản lượng gia tăng ở các nước ngoài nhóm này.
Các chuyên gia của ngân hàng ANZ nhận định với hãng tin Reuters: “Thị trường nhiên liệu đang lo ngại gián đoạn nguồn cung do căng thẳng ở Trung Đông. Thỏa thuận giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ được kỳ vọng sẽ giúp thị trường thắt chặt hơn, nhờ đó sẽ hỗ trợ giá dầu trong dài hạn”.
Trong khi đó, chiến lược gia hàng hóa Paul Ciana tại Bank of America nhận định với CNBC: “Hợp đồng dầu Brent tương lai có thể bứt phá lên mức 95 USD/thùng trong quý 2 do xu hướng giá lên trở nên tích cực hơn trong việc mua vào”.
Ngay trong phiên giao dịch ngày 4/3, giá dầu tiếp tục duy trì mức cao nhất trong 4 tháng sau quyết định mới nhất của OPEC+ về chính sách sản lượng. Cụ thể, giá dầu Brent cộng 0,2% lên mức 83,69 USD/thùng, còn giá dầu WTI của Mỹ tăng nhẹ lên 79,99 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent tăng khoảng 2,4% và giá dầu WTI tăng 4,5%.
Thông báo cắt giảm sản lượng mới nhất được OPEC+ đưa ra trong bối cảnh giá thế giới đã giằng co trong một phạm vi tương đối hẹp 75-85 USD/thùng từ đầu năm đến nay, bất chấp việc OPEC+ siết chặt nguồn cung, cùng với lo ngại về bất ổn chính trị tại Trung Đông.
Giới phân tích cho rằng áp lực giảm giá đối với dầu thô trong ngắn hạn chủ yếu đến từ triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Sức ép có thể gia tăng trong những tháng tới, khi các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc bước vào giai đoạn bảo trì hàng năm, cao điểm là trong quý 2, dẫn tới nhu cầu dầu thô đầu vào giảm sút.