Quyết liệt với dự án “treo”

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ gay gắt tại các cuộc họp xoay quanh sự tồn tại của hàng chục dự án “treo” làm lãng phí đất đai - tài nguyên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 160 đề ra lộ trình xử lý nghiêm các dự án chây ì, tiếp tục vi phạm.

Đây được xem là hành động quyết liệt tiếp theo, nhằm xóa bỏ dứt điểm những “điểm đen” trong quản lý đất đai của chính quyền TP.

Nhiều dự án ở Hà Nội, chủ đầu tư "ôm" đất không triển khai. Ảnh: Doãn Thành
Nhiều dự án ở Hà Nội, chủ đầu tư "ôm" đất không triển khai. Ảnh: Doãn Thành

Thực ra, câu chuyện quản lý đất đai luôn là vấn đề phức tạp, không chỉ riêng Hà Nội. Đã có những quy định về xử lý các dự án "treo”, đó là hết 24 tháng mà không triển khai đúng tiến độ thì được phép gia hạn 24 tháng nữa, hết 24 tháng nữa mà vẫn bị treo thì Nhà nước thu hồi cả đất lẫn tài sản đã đầu tư trên đất. Quy định đã rất rõ ràng nhưng thực tế xử lý các dự án "treo" trên cả nước còn rất yếu.

Có nhiều chủ đầu tư cứ xin dự án rồi để đấy, dân gian nôm na gọi là “xí phần” không triển khai, lúc giá đất tăng cao thì "sang tay"… thu khoản lợi lớn, còn Nhà nước thì thiệt đơn, thiệt kép. Trong khi nhiều DN có năng lực tốt lại thiếu đất để triển khai dự án, hoặc phải nhận “chuyển nhượng” với giá cao… khiến cho chi phí dự án bị đội giá và hậu quả của việc này cũng khó lường.

Hà Nội hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay mới thu hồi 10 dự án… cho thấy giải quyết “điểm đen” trong quản lý đất đai không đơn giản. Vì vậy, Kế hoạch 160 của Hà Nội được nhận định là hành động quyết liệt của chính quyền TP, nhằm xóa sổ những dự án “quây tôn, trùm mền” hàng chục năm, thể hiện quyết tâm giữ gìn kỷ cương phép nước. Bởi lẽ, khi dự án "treo" sẽ kéo theo hàng loạt những ảnh hưởng khác liên quan đến đời sống phát triển chung của TP, đất nước như vấn đề về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…

Tại Kế hoạch này, UBND TP yêu cầu công khai, minh bạch rõ quy trình, xác định cụ thể thời hạn, biện pháp giải quyết và xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai. Xử lý nghiêm, dứt điểm đối với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng; các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi các dự án đủ điều kiện theo quy định của pháp luật… Cùng với đó, công khai các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn TP để tạo sự đồng thuận, giám sát của người dân và DN trong việc thực hiện.

Về tiến độ thực hiện, UBND TP yêu cầu trong Quý II/2022, tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; Quý III/2022, căn cứ phân loại, tập trung xử lý các nhóm dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với vi phạm đã đủ căn cứ; cơ bản đến hết Quý IV/2022, tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.

Kế hoạch trên cho thấy sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính quyền Hà Nội, đối với hàng loạt dự án chây ì. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây, nếu việc xử lý vi phạm không đạt như kế hoạch đề ra thì sẽ xử lý thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm ra sao…? Bởi lẽ, chúng ta không thể viết một câu chuyện hay mà cái kết lại không có hậu.

Vậy nên, TP cần cụ thể hơn trong việc quy trách nhiệm người đứng đầu cho mỗi khâu trong lộ trình xoá bỏ dự án “treo”, tránh “đầu voi đuôi chuột”. Điều này cũng thể hiện hành động “dám làm, dám chịu trách nhiệm” của lãnh đạo TP trước Nhân dân, vì sự phát triển bền vững của Hà Nội.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần