Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết sách mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những tháng đầu năm 2024, dù tăng trưởng tích cực nhưng nền kinh tế Việt Nam còn đối diện nhiều vấn đề tồn tại, DN vẫn khó khăn. Đây chính là thời điểm các DN rất cần sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Nhiều DN thoái lui khỏi thị trường

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý I năm 2024, cả nước có 59.900 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có gần 20.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường lên đến 73.900 DN, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có gần 24.700 DN rút lui khỏi thị trường.

Tình trạng số DN rút khỏi thị trường cao hơn nhiều so với số thành lập trong cùng thời điểm cho thấy những khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh đối với DN là rất lớn.

Doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bà Phí Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, kinh tế thế giới bị bào mòn sau 3 năm chống chịu đại dịch Covid-19 và hậu quả đến nay vẫn còn dư chấn. Bên cạnh đó, những cú sốc mới của kinh tế - địa chính trị toàn cầu lại ập đến như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính - ngân hàng, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.

Dễ thấy nhất là các nền kinh tế lớn phải thắt chặt tiền tệ, đẩy lãi suất lên cao nhất trong nhiều chục năm trở lại đây để chống lạm phát. Đến thời điểm này, dù lạm phát đã được đẩy lùi, nhưng chưa ngân hàng T.Ư lớn nào giảm lãi suất vì vẫn lo lạm phát quay trở lại. Hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn như thời kỳ trước đại dịch, nhất là các thị trường lớn, đối tác lớn, đối tác truyền thống của Việt Nam.

Ở trong nước, khó khăn nội tại đó là khi nhu cầu thế giới giảm, nhiều DN trong nước làm vendor cho các chuỗi sản xuất dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ đã suy giảm xuất khẩu lớn trong năm 2023 nên buộc phải thu hẹp sản xuất. Các DN đứng đầu chuỗi thu hẹp sản xuất dẫn tới các DN tham gia chuỗi bị cắt đơn hàng, không có việc làm, không trụ được nên phải đóng cửa tạm thời.

Chưa kể, trước sự biến đổi tiêu cực của thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, các nước có nền kinh tế phát triển đã đặt ra rất nhiều điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn hàng hóa theo hướng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, quy trình sản xuất, thông tin, yêu cầu chuyển đổi xanh, sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường. Điều này khiến hoạt động sản xuất của các nền kinh tế đi sau, đặc biệt những nền kinh tế có hoạt động xuất khẩu lớn như Việt Nam, chịu tác động không hề nhỏ.

95% số DN Việt là nhỏ và siêu nhỏ

Quan sát tình hình sản xuất của DN, trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam tháng 3 quay đầu giảm dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy tăng trưởng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhẹ.

“Số lượng đơn đặt hàng mới chủ yếu xuất phát từ nhu cầu khách hàng trong nước, trong khi đó, số lượng đơn hàng quốc tế không ổn định. Ngoại trừ Indonesia, Singapore và Philipines, lĩnh vực sản xuất của các quốc gia còn lại như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều đang trong tình trạng thu hẹp” - báo cáo của TPS nhận định.

Bà Phí Hương Nga cho biết, hội nhập mang lại nhưng cũng là thách thức lớn. Khác với các nước, độ mở kinh tế của nước ta vô cùng lớn, chúng ta sẵn sàng chơi sòng phẳng với tất cả các nền kinh tế bằng 16 Hiệp định thương mại song phương và đa phương, kể cả hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với rất nhiều ràng buộc phi truyền thống. Trong cuộc chơi sòng phẳng với thế giới, khi 95% số DN Việt là nhỏ và siêu nhỏ, lại đặt trong điều kiện kinh tế thế giới như trên, thì hoạt động của DN khó khăn là đương nhiên.

Những khó khăn, vướng mắc, chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn như thủ tục hành chính còn rườm rà; các thị trường phát triển chưa đáp ứng nhu cầu, trong đó có thị trường vốn (hiện chủ yếu dựa vào ngành ngân hàng); chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mới ở bước đầu, trong khi đòi hỏi nguồn lực lớn; tổng cầu thế giới thu hẹp trong khi chưa khai thác hiệu quả thị trường trong nước; chưa có nhiều DN lớn, đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI - Đậu Anh Tuấn đề cập đến 6 khó khăn, trong đó có những "khó khăn truyền thống" mà DN phải đối mặt. Đó các vấn đề: chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi; chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam; chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện; các DN sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả và DN tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với DN xuyên biên giới.

Quý I năm ngoái đã diễn ra hiện tượng số DN rời thị trường lớn hơn so với số gia nhập, nhưng ít hơn năm nay (quý I/2023 có 60.300 DN rời thị trường, quý I/2024 có gần 74.000 DN rút lui khỏi thị trường). Điểm đáng chú ý là, DN rút lui khỏi thị trường hầu hết là DN nhỏ, có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ như nhà hàng, sửa chữa xe có động cơ, bán buôn, bán lẻ... và có thời gian hoạt động rất ngắn, chủ yếu dưới 5 năm.

 

Để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Cần kỷ luật thép, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan tỏa trong nền kinh tế. Các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án BĐS và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho DN. Đồng thời cũng cần tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, có khả năng liên kết liên doanh với DN Việt.

TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Điều phải suy nghĩ nữa là vốn đăng ký bình quân một DN có xu hướng giảm. Trong giai đoạn 2017 - 2022, vốn đăng ký bình quân một DN là trên 10 tỷ đồng, thì 2 năm trở lại đây chỉ còn 9,2 tỷ đồng, nếu trừ đi lạm phát thì quy mô DN còn nhỏ hơn nữa. “DN ngày càng nhỏ về quy mô, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu không có các giải pháp hữu hiệu thì DN Việt sẽ ngày một teo tóp” - bà Phí Hương Nga chia sẻ.

Chính sách tài khóa vẫn là điểm tựa tổng cầu

Dự báo trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng DN vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức.

Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn bản tháng 4/2024 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Báo cáo khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công có tác dụng lan tỏa tới nhiều ngành trong nền kinh tế. Việt Nam cũng có thể xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí hỗ trợ DN, để kích cầu.

Trên thực tế, việc giảm thuế và phí 2 năm (2022 và 2023) nhưng tổng thu ngân sách vẫn hầu như không ảnh hưởng.

Phó Trưởng ban Ban Kinh tế T.Ư, TS Nguyễn Đức Hiển nhận định, trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024 (ngắn hạn), Chính phủ sẽ phải dựa vào các chính sách trọng cầu, phục hồi nhanh chóng tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Năm 2024, chính sách tài khoá vẫn phải là chủ công và cần hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm hơn, chính sách tiền tệ bổ trợ.

Trao đổi về giải pháp để DN tiếp cận hỗ trợ, GS.TS Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các DN hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Do đó, để chính sách đến DN thì cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiếu thủ tục quy trình tiếp cận gói hỗ trợ.

GS.TS Tô Trung Thành cho rằng, để chính sách bao phủ các đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì cần tinh chỉnh chính sách cả về đối tượng và quy mô. Theo đó, các DN nhỏ và vừa gặp khó khi tiếp cận hỗ trợ. Bản thân các DN này quy mô nhỏ, chuẩn mực kế toán không cao, ít tài sản bảo đảm. Vì vậy, cần giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng DN nhỏ và vừa. Về ngành nghề, cần tập trung chính sách cho các ngành lĩnh vực có tính lan tỏa thì mới có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả.

 

Dư địa của các chính sách tài khóa - tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khóa của chúng ta còn lớn. Các chính sách hoãn, giãn nợ; chính sách tài khóa cũng phải được áp dụng nhanh chóng và dễ đi vào cuộc sống như giảm thời gian nộp các loại thuế và phí, giãn, hoãn các khoản thuế và phí… nhờ vậy tạo dòng tiền cho DN.

GS.TS Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân