Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết tâm thực hiện chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến năm 2022 sẽ giao kế hoạch vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi hơn 14.400 tỷ đồng.

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG, tại hội thảo Triển khai thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2011 - 2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày 5/4 tại Sóc Trăng.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Q.Trung
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Q.Trung

Hội thảo do Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng lãnh đạo Trung ương và địa phương vùng ĐBSCL.

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Vùng có dân số trên 17 triệu người, chiếm khoảng 18% dân số cả nước; DTTS có trên 1,3 triệu người, chủ yếu là đồng bào Khmer, chiếm tỷ lệ 7,6% dân số vùng và chiếm tỷ lệ 9,28% DTTS cả nước. Đồng bào DTTS sinh sống tập trung phần lớn tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang...

Những năm qua, vùng ĐBSCL đã có những chuyển biển tích cực, đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thăm hỏi các đại biểu chức sắc tôn giáo tại hội thảo. Ảnh: Q.Trung
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thăm hỏi các đại biểu chức sắc tôn giáo tại hội thảo. Ảnh: Q.Trung

Tuy nhiên, đồng bào DTTS vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, thách thức, toàn vùng vẫn còn 60 xã và 182 thôn đặc biệt khó khăn. Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS chưa thật sự bền vững. Cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người DTTS chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế còn thiếu và không đồng bộ, công tác phòng, chống dịch, khám và điều trị bệnh cho vùng sâu, vùng đồng bào DTTS vẫn còn khó khăn…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị Quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là quyết định có tính lịch sử, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận và thông qua đề án dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao hỗ trợ cho các địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: Q.Trung
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao hỗ trợ cho các địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: Q.Trung

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan liên quan cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác phối hợp của các bộ, ngành; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành và các quy định, điều kiện cần thiết để giải ngân nguồn vốn. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác bổ sung cho chương trình để việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Mục tiêu thực hiện chương trình sẽ “Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn”.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc cũng như những khó khăn, thách thức trong việc phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào DTTS.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc tổng hợp, nghiên cứu tất cả ý kiến, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để có định hướng, chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tổ chức triển khai, bố trí nguồn lực nhằm triển khai chương trình hiệu quả. Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện chương trình ngay trong tháng 4/2022.

Các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, bám sát và đồng hành cùng các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình, bảo đảm có những kết quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào.

Dự kiến năm 2022 sẽ giao kế hoạch vốn cho chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS và miền núi hơn 14.400 tỷ đồng (gồm 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để triển khai tổ chức thực hiện chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao, đặc biệt lưu tâm tới các giải pháp lồng ghép về nguồn vốn của các chương trình MTQG, chương trình, đề án khác để thực hiện nội dung có cùng mục tiêu trên cùng một địa bàn, bảo đảm tránh chồng chéo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực.

“Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, bám sát thực tiễn, các cấp ủy chính quyền địa phương phát huy chủ động, sáng tạo, chỉ đạo tổ chức triển khai lồng ghép các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với các chương trình MTQG khác và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong hai năm 2022 - 2023” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.