Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quýt hồng Lai Vung - Đồng Tháp thương hiệu được "đánh thức"

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quýt hồng Lai Vung tưởng chừng như bị "xóa sổ" vì sâu bệnh năm 2018. Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 – 2024 của tỉnh Đồng Tháp như ngọn gió lành làm hồi sinh "vương quốc" quýt hồng nổi tiếng nơi vùng đất Chín Rồng.

Theo kế hoạch, từ ngày 5 đến 8/1/2023, Lễ hội quýt hồng Lai Vung sẽ được chính thức diễn ra. Sự kiện nhằm tôn vinh một thương hiệu có nguy cơ bị "xóa sổ" vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tổng thể.

Quýt hồng Lai Vung vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tổng thể. Ảnh: Hữu Tuấn
Quýt hồng Lai Vung vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tổng thể. Ảnh: Hữu Tuấn

Đánh thức thương hiệu có nguy cơ bị "xóa sổ"

Ngày 20/11/2021, quýt hồng Lai Vung chính thức được Cục Sở hữu trí tế cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Theo đó, màu sắc nhãn hiệu: Trắng, kem, vàng, cam, xanh lá cây, đỏ, xanh dương; Loại nhãn hiệu: Nhãn hiệu chứng nhận; Nội dung khác: Nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng "QUYT HÔNG", hình quả quýt hồng; Danh mục sản phẩm/ dịch vụ mang nhãn hiệu: Nhóm 31: Quả quýt hồng tươi.

Năm 2018, hàng loạt diện tích trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung, gặp hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh, khiến diện tích trồng ngày càng thu hẹp. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, năm 2015, diện tích trồng quýt hồng trên địa bàn huyện là hơn 1.100ha, đến năm 2019, giảm còn trên 800ha và đến năm 2021, chỉ còn 275ha.

Hiện tại diện tích quýt hồng có khoảng 200 ha, sản lượng đạt 5.000 tấn. Ảnh: Hữu Tuấn
Hiện tại diện tích quýt hồng có khoảng 200 ha, sản lượng đạt 5.000 tấn. Ảnh: Hữu Tuấn

Hiện tại, có khoảng 200 ha quýt hồng phục vụ tết, sản lượng ước đạt 5.000 tấn, tập trung các xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Hòa Long, Hòa Thành và Vĩnh Thới, dự kiến thời gian tới diện tích trồng quýt hồng đang được tăng thêm.

Năm 2021, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 – 2024  với diện tích hơn 546ha, tổng vốn thực hiện hơn 73 tỷ đồng. Mục tiêu chung của Đề án là bảo tồn vùng trồng quýt hồng tập trung tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đoàn Anh Kiệt, ngụ ở ấp Long Khánh, xã Long Hậu, cho biết: Gia đình ông trồng 450 cây quýt hồng và 250 cây quýt đường trên diện tích 5.000m2. Quýt hồng rất khó trồng, khó chăm sóc, thời gian từ khi đơm trái cho đến khi thu hoạch kéo dài hơn 11 tháng nên ít người mặm mà với việc trồng quýt này nên chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Cải thiện diện tích

Xã Long Hậu trước kia diện tích trồng quýt hồng khoảng 800 ha, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 95,4 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 1.200 đến 1.500 tấn, hiện cả xã có 207 hộ trồng, ông Trần Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu cho hay.

Do ảnh hưởng của bệnh thối rễ từ nhiều năm nay diện tích trồng quýt hồng suy giảm rất nhiều, nay đang thực hiện Đề án bảo tồn, hi vọng diện tích tăng lên. Ảnh: Hữu Tuấn
Do ảnh hưởng của bệnh thối rễ từ nhiều năm nay diện tích trồng quýt hồng suy giảm rất nhiều, nay đang thực hiện Đề án bảo tồn, hi vọng diện tích tăng lên. Ảnh: Hữu Tuấn

Lý giải về vấn đề này, ông Trần Văn Thanh cho biết, những năm trở lại đây, tình hình thời tiết có nhiều thay đổi, bệnh vàng lá, thối rễ xuất hiện ngày càng nhiều, sản lượng giảm khoảng hơn một nữa, có nhiều hộ mất trắng. Nhiều nhà vườn trên địa bàn xã đã chuyển đổi sang trồng một số loại cây khác cho giá trị kinh tế cao như: xoài, sầu riêng, mít, chuối... Với Đề án Bảo tồn quýt hồng Lai Vung đang được thực hiện, diện tích trồng quýt hồng trên địa bàn đã được cải thiện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để đầu tư trồng khoảng 1.000m2 quýt hồng chi phí ban đầu rất cao từ cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, nhân công trung bình từ 80 đến 100 triệu đồng, trong khoảng thời gian chăm sóc đâm hoa, kết trái, đến khi chín khoảng thêm 30 đến 50 triệu đồng, gặp thời tiết xấu thì coi như mất trắng.

Trong năm 2022, chi phí đầu tư tăng gấp đôi so với những năm trước đó. Nhưng khi tham gia thực hiện dự án Bảo tồn cải tạo quýt hồng thì được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí phân bón hữu cơ, cây giống nên nhiều nhà vườn an tâm hơn.

Anh Đào Nhật Linh, ngụ ấp Long Thuận, xã Long Hậu, cho biết anh trồng 300 gốc quýt hồng xen canh với 1.000 gốc quýt đường trên diện tích khoảng 20.000m2, hiện tại vườn quýt của gia đình anh đang trong thời gian mở cửa đón khách đến tham quan. Chi phí đầu tư ban đầu lên tới hơn cả tỷ đồng.

Hiện tại, người trồng quýt hồng có diện tích lớn nhất trên địa bàn xã Long Hậu 1,2 ha, còn lại đa phần vài ngàn mét vuông. Hoặc trồng xen canh với quýt đường, bưởi....

Quýt hồng còn tham gia làm... du lịch

Quýt hồng có vị ngọt rất khác so với quýt đường, từ khi đơm bông đến khi kết trái kéo dài 11 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 11 âm lịch quýt bắt đầu chín, nhưng vẫn chưa ngọt đến khoảng 15 tháng Chạp thì quýt mới đủ độ chín và ngọt, đến ngày 20 thì bắt đầu thu hoạch đại trà được các thương lái đến tận vườn để mua. Mỗi ký quýt hồng có giá từ 50.000 đồng trở lên đối với loại đẹp, loại xấu thì giá thấp hơn.

Để có được trái quýt ngon, ngọt người dân phải chăm sóc 11 tháng. Ảnh: Hữu Tuấn
Để có được trái quýt ngon, ngọt người dân phải chăm sóc 11 tháng. Ảnh: Hữu Tuấn

Trong khi đó, quýt đường đơm hoa kết trái quanh năm, chi phí thấp, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh hơn so với quýt hồng rất nhiều nhưng mang lại giá trị kinh tế thấp. 

Ông Đoàn Văn Kiệt chia sẻ, sau Tết, người trồng quýt hồng bắt tay vào việc cắt tỉa, chọn cành, từ khi đơm bông đến khi thu hoạch ngày nào cũng phải chăm sóc tỉ mỉ, trong thời gian đơm bông nếu gặp nhiệt độ cao thì bông sẽ rụng, mưa nhiều cũng khiến trái quýt sẽ bị nứt, sâu bệnh nhiều thì giảm sản lượng.

Mỗi cây quýt hồng trưởng thành không chịu ảnh hưởng sâu bệnh nâng suất đạt từ 50 kg trở lên. Ảnh: Hữu Tuấn
Mỗi cây quýt hồng trưởng thành không chịu ảnh hưởng sâu bệnh nâng suất đạt từ 50 kg trở lên. Ảnh: Hữu Tuấn

Ông Huỳnh Minh Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: Để phát triển giá trị tăng thêm của quýt hồng, từ giữa tháng 11 âm lịch một số nhà vườn đã mở cửa cho khách du lịch đến tham quan. Bên cạnh đó, huyện đang định hướng ứng dụng khoa học công nghệ bảo quản sau khâu thu hoạch, chế biến, có thêm một số sản phẩm khác từ quýt hồng.

Thông qua lễ hội, huyện sẽ tổ chức các sự kiện như: diễu hành quảng bá Lễ hội; tham gia không gian trưng bày và bán sản phẩm của nhà vườn, xã, thị trấn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện; tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng”: Chia sẻ về giải pháp công nghệ, quy trình sản xuất và nghiên cứu để bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung, trao đổi về sản xuất, chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu quy trình chăm sóc, khắc phục các bệnh trên cây trong thời gian qua, ông Huỳnh Minh Trí cho hay.

Ông Cao Văn Hòa Vũ, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lai Vung chia sẻ, tổ chức lễ hội quýt hồng không chỉ tôn vinh thương hiệu mà còn quảng bá sản phẩm, hình ảnh quýt đến với người dân, du khách trong khu vực ĐBSCL mà còn khắp cả nước.

Bà Nguyễn Thị Minh, một khách du lịch từ An Giang cho biết, lần đầu tiên bà được tham quan vườn quýt hồng ngọt và có vị thanh ăn vào miệng giòn tan, quýt có màu sắc rất bắt mắt rất phù hợp với việc thờ cúng ngày Tết.