70 năm giải phóng Thủ đô

Rạn nứt tình cảm vì hơn 40 mét vuông đất

Văn Biên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hơn 20 năm tham gia công tác hòa giải, bằng sự chân thành - nghĩa tình trong cuộc sống, sự khéo léo - linh động trong công việc, bà Phan Thị Kim Tấn đã hòa giải thành rất nhiều vụ mâu thuẫn...

Bà Phan Thị Kim Tấn chia sẻ: Gia đình ông Đặng Văn Đức (hẻm 245/116/35 - phố Định Công thuộc tổ dân phố 23 phường Định Công) lấn chiếm hơn 40 mét vuông đất thuộc thửa đất số 52, tờ bản đồ số 27, diện tích 42,3m2 đứng tên ông Bùi Đăng Thái (trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (thửa đất trên thuộc phần đất khu mộ cụ Thượng tổ họ Bùi Chí Đức đã táng cách đây hơn 600 năm) để xây dựng nhà cấp 4 cho thuê, các công trình vệ sinh và tường rào bao quanh khu đất chắn lối ra vào khu mộ.

“Đây là một vụ việc tranh chấp, khiếu nại vượt cấp, kéo dài nhiều năm, rất phức tạp, với sự vào cuộc giải quyết của nhiều ban ngành, các cấp… nhưng được xử lý dứt điểm” - bà Phan Thị Kim Tấn kể.

Bà Phan Thị Kim Tấn: “Để hòa giải thành, hòa giải viên phải có kỹ năng “dân vận khéo”. Ảnh: Văn Biên
Bà Phan Thị Kim Tấn: “Để hòa giải thành, hòa giải viên phải có kỹ năng “dân vận khéo”. Ảnh: Văn Biên

Nắm bắt được tình hình, bằng uy tín và kinh nghiệm của bản thân, bà Tấn nhiều đêm suy nghĩ. Bà cùng đồng chí Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố cùng các chi hội đoàn thể tổ dân phố họp bàn và tìm giải pháp.

Bà Phan Thị Kim Tấn cùng tổ hòa giải đến gặp gỡ từng người trong hai gia đình, dòng họ, phân tích có tình có lý. Đồng thời, bà khơi dậy truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “trên kính dưới nhường”, “chín bỏ làm mười”, “tình làng nghĩa xóm”… động viên thuyết phục nhiều lần.

Bà Phan Thị Kim Tấn kiên trì tuyên truyền giải thích, thuyết phục, giải quyết các vấn đề thấu tình đạt lý. Bà Tấn phân tích về cái lý cái tình, cái được cái mất khi tranh chấp xảy ra…

“Sau nhiều lần gặp gỡ, hòa giải, kết quả hai bên đã vui vẻ xóa bỏ những mâu thuẫn. Gia đình ông Đặng Văn Đức đồng ý trả lại cho dòng họ Bùi phần đất mà gia đình ông đã lấn chiếm và sử dụng nhiều năm qua. Đây là một vụ việc điển hình, ấn tượng nhất trong suốt hơn 20 năm tham gia công tác hòa giải cơ sở của tôi” - bà Tấn vui vẻ chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết, hiện nay, trên địa bàn phường Định Công có 25 tổ hòa giải cơ sở, với 164 hòa giải viên đảm trách công tác hòa giải tại 42 tổ dân phố trên khắp địa bàn phường. Tổ dân phố số 23 là một trong những tổ có hòa giải đạt hiệu quả cao của phường, những vụ việc phát sinh đều được giải quyết êm đẹp. Thành viên tổ hòa giải là những ông/bà có năng lực, uy tín, kiến thức, được bà con tin tưởng.

“Là Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 23, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, bà Tấn đã gắn kết “tình làng nghĩa xóm” thêm bền chặt. Nhờ bà mà lãnh đạo phường đã kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng. Bà Phan Thị Kim Tấn xứng đáng là một điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương” - Phó Chủ tịch UBND phường Định Công Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

 

Theo báo cáo của UBND phường Định Công, sau hơn 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường Định Công đã không ngừng phát triển. Các tổ hòa giải được kiện toàn bảo đảm đúng số lượng, thành phần theo quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân.

Thời gian qua, tổ dân phố số 23 được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác hòa giải cơ sở ở của phường Định Công. Do làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL nên địa bàn tổ dân phố 23 những năm qua không phát sinh những vụ việc mâu thuẫn phức tạp. Tuy nhiên, vẫn có những vụ việc nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, liên quan đến đất đai, môi trường, hôn nhân...