Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ràng buộc trong chuyển đổi số doanh nghiệp Nhà nước

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi số chịu rất nhiều ràng buộc, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Nhà nước bởi hành lang pháp lý, quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ…

Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước, cơ hội và thách thức" do báo điện tử VOV tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị diễn ra ngày 26/7.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng không có mô hình “may sẵn” cho chuyển đổi số của doanh nghiệp Nhà nước. Chuyển đổi số là một tiến trình, không phải là một mô hình, hay phương thức. Do vậy, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức.

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật, và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho doanh nghiệp.

Dữ liệu là nền tảng của tiến trình chuyển đổi số, tính nền tảng này được thể hiện thông qua việc vốn hóa dữ liệu trở thành một “hệ thống ngôn ngữ giao tiếp dữ liệu chung”. Thông qua việc xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng, các doanh nghiệp sẽ hoạch định được bức tranh chuyển đổi tổng thể.

Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông áp dụng công nghệ vào sản xuất tạo ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên
Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông áp dụng công nghệ vào sản xuất tạo ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên
 

Nhờ chuyển đổi số bước đầu thành công, trong những năm qua dù ảnh hưởng đại dịch Covid-19, doanh thu của Rạng Đông vẫn liên tục đạt mức cao: Năm 2020 tăng 15,7%; 2021 tăng 16%; 2022 tăng 21% và đặc biệt quý I/2023 vẫn tăng 19,8% so cùng kỳ. Chuyển đổi số thành công đã giúp Rạng Đông thực hiện chuyển đổi hai vấn đề cốt lõi là tái cấu trúc Chiến lược sản phẩm/dịch vụ (Hệ sinh thái SP/DV - 4.0) và tái cấu trúc Mô hình  kinh doanh (mô hình kinh doanh thời đại số).

Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết

Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội truyền thông số Việt Nam Lê Nguyễn Trường Giang cho biết, để thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp Nhà nước (có vốn nhà nước) vẫn đang gặp không ít thách thức. Trước hết phải thấy rằng doanh nghiệp Nhà nước có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác.

Doanh nghiệp Nhà nước có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản, bởi không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay. Sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công.

Bởi sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn nên chính quá trình này tạo ra nhiều điểm khó khăn trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh.

Điều đó đặt ra những thách thức lớn cho việc chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động để thích ứng hiệu quả với kỷ nguyên số. Do vậy, thay vì tạo ra một tác động tổng thể, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay vẫn đang tập trung nhiều vào quá trình số hóa vận hành và xây dựng một số giải pháp cụ thể thay vì tổng thể.

Với quy mô rất lớn, mô hình phức hợp và định hướng phát triển chịu sự chỉ đạo của các doanh nghiệp Nhà nước, việc xây dựng các mô hình kiến trúc cho phù hợp cũng như điều chỉnh hàng năm cần có một chiến lược tích hợp kinh doanh- chuyển đổi số được thực hiện ngay từ giai đoạn bản lề trong thời gian đầu của việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp để dẫn hướng tiến trình.

Tuy nhiên, hiện nay, đa phần mới chỉ dừng ở việc hoạch định, vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp thấp của tổ chức, đang là một điểm nghẽn lớn. Do vậy, chưa thực sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh động cho doanh nghiệp nhà nước thông qua tiến trình chuyển đổi số.

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, tiến trình chuyển đổi số cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành,…

Việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc chuyển đổi số không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện doanh nghiệp sang bản chất kinh doanh mới – trở thành một doanh nghiệp số. Chuyển đổi số là một tiến trình, không phải là một mô hình, hay phương thức; mang tính phương tiện để giúp doanh nghiệp/tổ chức chuyển đổi hình thái tổ chức của mình, thích ứng với một bối cảnh mới – kỷ nguyên số.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel Nguyễn Chí Thanh cũng chỉ ra, tuỳ thuộc vào mỗi đặc thù doanh nghiệp, chuyển đổi số có các xuất phát điểm khác nhau. Chúng ta cần đánh giá hiện trạng cụ thể để xây dựng chiến lược và lộ trình phù hợp với doanh nghiệp. Để triển khai các ứng dụng, hệ thống cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác tối đa giá trị từ dữ liệu, cần bắt đầu từ việc xây dựng nền tảng hạ tầng cơ bản, nền móng nhất cho doanh nghiệp.