Rất đáng để lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật DN, Luật Đầu tư 2014 sửa đổi - những Luật được kỳ vọng góp phần tháo gỡ khó khăn, mở ra môi trường tự do kinh doanh và trao quyền tự chủ nhiều hơn cho DN đã chính thức có hiệu lực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, việc đăng ký kinh doanh hiện vẫn đang thực hiện theo hướng dẫn tạm thời trong thời gian chờ nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể chưa được ban hành. Thực tế, 2 Luật trên sẽ có tổng cộng 8 văn bản hướng dẫn. Nhưng tính đến nay mới có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định các ngành công nghệ cao được ban hành. Bộ KH&ĐT mới chỉ công khai danh mục các ngành nghề cấm và hạn chế kinh doanh. Có thể thấy, công tác rà soát đăng ký kinh doanh của các bộ vẫn làm chưa tốt. Việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, không hợp pháp, không khả thi theo đúng tinh thần của Luật vẫn chưa thực hiện một cách bài bản, trong khi việc bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh tại 170 quyết định, thông tư trái với Luật DN đang là quá sức nặng đối với một cơ quan như Bộ KH&ĐT. Điều này đang gây nên mối lo ngại các văn bản quy phạm pháp luật ra sau có xu hướng làm chậm, thậm chí đi ngược lại với những quy định cởi mở của 2 Luật trên. Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi mà việc đăng ký kinh doanh thường gắn với quyền năng, lợi ích của các bộ. Buộc phải cắt bỏ quyền năng và lợi ích đương nhiên là điều rất khó. Mặc dù việc bãi bỏ các thông tư đã được gia hạn thêm một năm, nhưng nếu không có sự thay đổi cách rà soát thì hoạt động này khó đi vào thực chất để có hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt là vấn đề kiểm soát sau khi hoàn tất rà soát. Làm sao không để các điều kiện kinh doanh có cơ hội được tái lập hoặc đẻ ra thêm điều kiện mới. Thực tế nhiều cơ quan Nhà nước vẫn có tư tưởng đặt ra các điều kiện kinh doanh để dễ cho việc quản lý mà ít quan tâm đến việc phí tổn để thực thi hoặc những thiệt hại cho người dân và DN từ việc thực hiện những điều kiện kinh doanh đó thường lớn hơn nhiều so với lợi ích mà nó mang lại.

Các tổ chức quốc tế có uy tín đã từng khẳng định, việc cấp phép là giải pháp cuối cùng. Bởi vì, đây là xin – cho, là rào cản gia nhập thị trường làm hạn chế năng lực cạnh tranh của DN, của quốc gia. Các giải pháp như công khai thông tin, kiểm tra, giám sát hoạt động… sẽ làm chi phí của xã hội đỡ tốn kém hơn, thúc đẩy nền kinh tế cạnh tranh và phát triển tốt hơn. Đây mới là điều quan trọng mang lại lợi ích cho người dân, DN.