Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rền vang tiếng chày vồ bánh nổ

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Điền Trang (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) là nơi làm bánh nổ ngon nổi tiếng tại đất Quảng Ngãi. Tháng Chạp, đi từ đầu đến cuối làng đều nghe được tiếng nếp nổ lách tách và tiếng chày vồ nện bánh đùng đùng. Mùi thơm ngọt, ấm nồng của nếp bung chín hòa quyện cùng với đường, gừng... lan tỏa khắp không gian.

Những ngày này, các cơ sở sản xuất bánh nổ ở thôn Điền Trang tất bật từ sáng đến khuya. “Để làm ra một đòn bánh nổ thơm ngon, đạt chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn thủ công. Do vậy, người làm phải bỏ ra rất nhiều thời gian và cần sự tỉ mỉ, khéo léo để tạo ra một đòn bánh đạt chuẩn”, bà Nguyễn Thị Liễu (47 tuổi) - chủ một cơ sở bánh nổ cho biết.

Hạt nếp sau khi rang sẽ nở và bung vỏ, tạo thành nổ.
Hạt nếp sau khi rang sẽ nở và bung vỏ, tạo thành nổ.

Đầu tiên, chọn nếp ngon, còn nguyên vỏ và phơi khô thật kỹ. Nếp được rang trên bếp than hồng. Khi đủ độ nóng, nếp nổ lách tách, vỏ trấu tự bung ra ngoài, chỉ còn lại phần ruột trắng ngần, nở bông, được gọi là nổ. Sau đó, người ta cho thêm nước đường thắng vừa tới, trộn với gừng, mè, vani, quế và cho vào khuôn.

Nếp sau khi trộn với các nguyên liệu sẽ được cho vào khuôn bánh.
Nếp sau khi trộn với các nguyên liệu sẽ được cho vào khuôn bánh.

Khuôn bánh nổ cao 40cm - 45cm, được làm bằng bốn miếng gỗ tốt ghép vào một đế gỗ. Bề dày mỗi miếng gỗ khoảng 3cm. Ở ngoài có 2 niềng vuông bằng gỗ dùng để ráp vào và tháo ra. Khi ráp vào, chính giữa có một khoảng trống vuông, chu vi 6cm - 7cm và cái chày hai đầu (một đầu vuông, một đầu tròn) cũng bằng gỗ, vừa lọt khoảng trống ấy.

Thợ đóng bánh nổ dùng vồ nện mạnh xuống chày.
Thợ đóng bánh nổ dùng vồ nện mạnh xuống chày.

Nguyên liệu được đổ ngang miệng khuôn, rồi dùng chày phía trên ép xuống cho lọt khuôn theo hướng thẳng đứng. Thợ đóng bánh sẽ dùng chiếc vồ (búa gỗ) nện mạnh xuống đầu tròn của chày vẫn đang đặt trong khuôn. Vừa nện vồ vừa đổ nếp vào, mãi đến khi đầy khuôn và chặt thì dừng lại, tháo 2 niềng và 4 miếng gỗ ra sẽ được đòn bánh nổ dài 40cm - 45cm. Bánh nổ sau đó được cắt thành từng miếng vuông vức, sấy khô rồi đóng vào túi nilon, mang đi tiêu thụ.

Đòn bánh nổ sau khi đưa ra khỏi khuôn.
Đòn bánh nổ sau khi đưa ra khỏi khuôn.

“Để lát bánh cắt ra đều, đẹp, mướt, người cắt phải dùng đều sức, dao phải rửa sạch, mài bén và được bôi chút dầu ăn. Đây là công đoạn quan trọng không kém các công đoạn khác”, bà Võ Thị Kim Chung (48 tuổi, thôn Điền Trang) bật mí.

Bánh nổ được cắt thành từng miếng nhỏ.
Bánh nổ được cắt thành từng miếng nhỏ.

Ông Đinh Duy Nam (59 tuổi, thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung) là một trong số ít người thợ đóng bánh nổ còn lại ở làng, chia sẻ: “Do làm bằng thủ công nên mỗi lát bánh thơm ngon là tâm huyết và đam mê của người thợ lành nghề. Mỗi ngày làm hàng trăm đòn bánh như vậy, mỗi bánh hơn chục lần nện vồ, không thể đếm xuể mình đã đóng bao nhiêu lần, chỉ biết nghề này rất công phu và vất vả”.

Như ông Nam, mỗi ngày đi đóng bánh thuê như vậy cũng kiếm được 200 - 300 nghìn đồng. Lợi ích kinh tế không đáng là nhiêu, chủ yếu lấy công làm lời.

Hiện thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung còn khoảng 15 hộ gắn bó với nghề làm bánh nổ. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp nên dự kiến đơn hàng có giảm đi, song không đáng kể.

Theo các cụ cao niên, nghề làm bánh nổ xuất phát từ đời sống của ông cha xưa. Ngày ấy, cuộc sống gian khổ, thuở đầu bánh được làm gạo "mót", tức là những hạt lúa còn sót ngoài đồng sau khi thu hoạch được mót về để làm bánh. Sau đó, dư dả dần, dân mới lấy lúa nếp làm nguyên liệu chính để bánh ngon hơn.

Bánh nổ thành phẩm
Bánh nổ thành phẩm

Dịp Tết Nguyên đán, bánh nổ được đặt trang trọng ở bàn thờ ông bà, tổ tiên để tưởng nhớ và cầu nguyện mùa màng bội thu, ấm no cho gia đình. Bánh nổ là sản vật truyền thống của người dân trong làng hàng trăm năm qua và vẫn còn gìn giữ đến ngày hôm nay. 

“Vào mỗi dịp Tết cổ truyền, làng nghề bánh nổ Điền Trang cần nhiều nhân công. Năm nay, những người đi làm ăn xa trở về địa phương để tránh dịch thì nghề làm bánh nổ cũng giúp họ kiếm thêm thu nhập vào dịp giáp Tết, nhất là phụ nữ. Cách đây 2 năm, bánh nổ được giới thiệu là sản phẩm OCOP địa phương. Trong thời gian tới, bên cạnh giữ vững thương hiệu bánh nổ Điền Trang, xã dự kiến sẽ nhân rộng, phát triển nghề làm bánh nổ ra 5 thôn còn lại”, bà Võ Thị Thu Sang - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Trung cho biết.