Rủi ro gia tăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần một tuần sau "Ngày thứ Ba đen tối" (16/12), đồng ruble đã tăng trở lại, thị trường chứng khoán Nga cũng được tiếp thêm sức mạnh nhờ sự nhích lên của giá dầu.

Diễn biến này tuy chưa thể định hình được xu thế của thị trường toàn cầu nhưng nó cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của giá dầu và vai trò của đồng ruble với kinh tế thế giới.

Tính từ đầu năm đến nay, đồng ruble đã mất 40% giá trị, đẩy kinh tế Nga vào tình trạng nguy cấp chưa từng có và buộc Tổng thống Vladimir Putin trong suốt cả tuần qua đã nhiều lần phải đăng đàn để trấn an người dân về mức độ an toàn của nền tài chính quốc gia. Trong một bước đi mới nhất, Ngân hàng T.Ư Nga đã phải bơm 30 tỷ ruble (tương đương 517 triệu USD) để cứu Bank Trust khỏi bị phá sản. Đây là ngân hàng Nga đầu tiên được giải cứu kể từ khi cuộc khủng hoảng tiền tệ bắt đầu.

Mặc dù không phải là một đồng tiền mạnh trên thị trường nhưng sự sụp đổ của đồng ruble đe dọa gây cho các nền kinh tế những thiệt hại lớn hơn cả hậu quả do những biện pháp trả đũa của Nga đối với một số quốc gia châu Âu. Đồng ruble tuột giá đã làm cho một số mặt hàng nhập khẩu ở Nga trở nên đắt đỏ trong khi các mặt hàng trong nước lại có một mức giá dễ chịu hơn. Hệ quả tất yếu là doanh thu của các DN phương Tây đang kinh doanh ở Nga sẽ sụt giảm. Thống kê mới nhất của Hải quan Thụy Sĩ cho biết, xuất khẩu của nước này sang Nga trong tháng 11 vừa qua đã sụt giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài các mặt hàng xa xỉ phẩm như đồng hồ, thời trang, điện thoại di động, các mặt hàng thiết yếu như nông sản, thực phẩm - vốn đã điêu đứng sau loạt biện pháp trả đũa của Moscow sẽ đứng trước đợt thiệt hại mới. Song song với biện pháp hạn chế lúa mì của Nga, nhiều chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo của các quốc gia Trung Âu sang Nga trong tương lai không xa sẽ giảm xuống từ 20 - 30%. Đồng ruble mất giá mạnh trong thời gian gần đây cũng dẫn đến sự sụt giảm lượng khách du lịch từ Nga đến các quốc gia châu Âu, Mỹ và cả các đồng minh thân cận của Mỹ như Israel. Bộ Du lịch Israel vừa đưa ra dự báo, lượng khách du lịch Nga đến nước này sẽ giảm khoảng 20% trong năm 2015, gây ra mức thiệt hại về kinh tế tương đương 153 triệu USD.

Trong khi đó, Ngân hàng T.Ư Anh hôm 22/12 đã cảnh báo, cùng với sự kiện đồng ruble mất giá, sự lao dốc của giá dầu sẽ làm gia tăng các rủi ro về kinh tế và địa chính trị, đồng thời đẩy châu Âu tiến nhanh hơn tới tình trạng giảm phát. Nếu tình trạng giá dầu giảm tiếp tục là xu thế thống trị thị trường, các công ty khai thác khí đá phiến sét của Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tiền trả nợ. Hiện, các công ty thăm dò và khai thác dầu mỏ, khí đốt đang chiếm tới 13% giá trị thị trường nợ của Mỹ, nên rủi ro do các công ty này không có tiền trả nợ cho các nhà đầu tư là rất cao. Đối với châu Âu, kỳ vọng vào sự xuống giá của dầu cũng làm giảm kỳ vọng lạm phát trong tương lai và nhiều khả năng, mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2% là không thể thực hiện được. Điều này về lâu dài sẽ ghìm tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm tăng gánh nặng nợ công hiện có…