Trong các hầm ngầm gần chiến trường Ukraine, lưu trữ mã di truyền của gần 2.000 cây trồng có nguy cơ bị phá hủy vĩnh viễn.
Theo Crop Trust, một tổ chức phi lợi nhuận do Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc thành lập, rủi ro an ninh lương thực đã trở thành tiêu điểm vào đầu tháng 6, trong bối cảnh một cơ sở nghiên cứu gần ngân hàng hạt giống quốc gia của Ukraine bị hư hại nặng nề do chiến sự tại đây.
Cơ sở và ngân hàng hạt giống của Ukraine đều có trụ sở tại Kharkiv, khu vực đông bắc Ukraine, nơi hứng chịu các đợt ném bom dữ dội từ lực lượng Nga.
Hiện vẫn chưa thể xác định nguyên nhân của thiệt hại. Crop Trust chỉ cho biết, cơ sở nghiên cứu đã bị tấn công, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết vì lý do an ninh.
Chỉ có 4% số hạt giống trong ngân hàng của Ukraine, cơ sở lớn thứ mười trên thế giới, được dự phòng.
Trao đổi với Reuters, Stefan Schmitz, giám đốc điều hành của Crop Trust, khẳng định, ngân hàng hạt giống là "một loại bảo hiểm nhân thọ". "Sẽ là một mất mát bi thảm nếu ngân hàng hạt giống của Ukraine bị phá hủy."
Viện hàn lâm khoa học Ukraine từ chối bình luận và Bộ Quốc phòng Nga chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu thông báo về thiệt hại.
Các nhà nghiên cứu dựa vào vật liệu di truyền đa dạng mà các ngân hàng hạt giống lưu trữ để tạo ra các loại cây có thể chống chọi với biến đổi khí hậu hoặc dịch bệnh.
Những mã di truyền này ngày càng trở nên quan trọng để đảm bảo sản xuất đủ lương thực mỗi mùa, nuôi sống 7,9 tỷ người khi thời tiết trên thế giới ngày càng khắc nghiệt.
Đồng thời, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ ba và thứ tư trên thế giới, đã làm gia tăng lạm phát giá lương thực, gây nguy cơ khan hiếm lương thực. Hiện đã có những cuộc biểu tình nổ ra ở các nước đang phát triển vốn được hưởng lợi từ nguồn ngũ cốc của Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho biết, giá năng lượng năm 2022 dự kiến sẽ tăng trên 50%, trong khi giá lúa mì dự báo tăng hơn 40%.