Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rủi ro nhảy múa cùng giá vàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua là tuần đặc biệt của giá vàng khi cả vàng miếng và vàng nhẫn đều tăng không ngừng và liên tục xác lập đỉnh mới. Tuy nhiên, sau một đêm, ngày 13/3, thị trường đảo chiều trong sự ngỡ ngàng của những người "ôm" vàng.

Giá vàng lại đi lên phiên sáng 14/3 với mức tăng của thương hiệu SJC tại các DN từ 300.000 - 400.000 đồng mỗi lượng. Vàng Rồng Thăng Long cũng cộng thêm 50.000 đồng/lượng... Vàng đang "nhảy múa" và nhiều rủi ro chực chờ với người đang "nhảy múa" cùng nó.

Đổ xô mua rồi lại tranh nhau bán

Ngày 7/3, giá vàng tăng cao nhất từ trước đến nay. Vào lúc 14 giờ, giá vàng miếng tại SJC lên 79,5 - 81,5 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với đầu giờ sáng. Chỉ khoảng nửa giờ sau đó, giá vàng miếng tại SJC tiếp tục đi lên, giao dịch tại 79,8 - 81,8 triệu đồng/lượng, tức cao hơn nửa triệu đồng/ lượng so với buổi sáng. Giá mỗi lượng vàng nhẫn trơn cũng tăng 200.000 đồng sau khi mở cửa và tiếp tục leo lên mức kỷ lục mới.

Đến ngày 8/3, giá vàng miếng SJC lên 82 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tăng lên 68,25 triệu đồng/lượng. Những ngày tiếp theo giá vàng SJC tiếp tục chinh phục những mức kỷ lục mới. Trưa ngày 12/3, có thời điểm giá vàng SJC lên đến 82,5 triệu đồng/lượng trong khi vàng nhẫn vọt lên trên 71 triệu (71,38 triệu đồng/lượng), trước khi quay đầu giảm.

Giá vàng tăng mạnh liên tục trong thời gian qua khiến thị trường trở nên sôi động. Ảnh: Phạm Hùng
Giá vàng tăng mạnh liên tục trong thời gian qua khiến thị trường trở nên sôi động. Ảnh: Phạm Hùng

Giá vàng trong nước tăng sốc, liên tục lập đỉnh trong khoảng thời gian ngắn khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh, nhất là đối với vàng nhẫn. Một số người cho biết mua vàng nhẫn với kỳ vọng giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng mạnh thời gian tới.

Trên các phố vàng ở Hà Nội như Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng), Cầu Giấy... nhiều cửa hàng vàng tấp nập khách mua, bán. Thậm chí có cửa hàng thông báo khách mua vàng nhẫn với số lượng trên 4 lượng, sau gần 1 tháng mới lấy được vàng.

Chị Phạm Thu Nga (Đống Đa, Hà Nội) mua 5 lượng vàng SJC chia sẻ: “Tôi nghe ngóng các thông tin và thấy giá vàng thế giới tăng liên tiếp nên trong nước chắc chắn sẽ tăng theo. Hiện lãi suất tiết kiệm quá thấp nên tôi đáo hạn 1 sổ ngân hàng, ra mua vàng ngay”.

“Khách đến cửa hàng mua vàng nhẫn vẫn rất nhiều. Toàn người mua cả lượng, thậm chí cả chục lượng. Song tất cả đều phải đặt hàng trước, trả 100% tiền. Cửa hàng gửi hóa đơn cho khách cùng giấy hẹn sang tháng sau nhận vàng”- nhân viên một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông cho hay.

Tuy vậy, đến ngày 13/3, giá vàng bất ngờ lao dốc mạnh. Vàng SJC xuống còn 80,5 triệu đồng/lượng (bán ra) - 78 triệu đồng/lượng (mua vào); nhẫn tròn trơn chính thức tuột khỏi đỉnh 70 triệu đồng/lượng; mua vào 67,2 triệu đồng/lượng, bán ra 68,5 triệu đồng/lượng, giảm gần 2 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giá mua – bán vàng vẫn 2,5 triệu đồng/lượng.

Khác với cảnh xếp hàng dài chờ được mua vào như những phiên trước, khi giá vàng rớt mạnh, nhà đầu tư lại tranh nhau bán ra. Tâm lý đám đông đã chi phối niềm tin của người dân khi đổ tiền vào kênh đầu tư khó đoán định này.

"Giá vàng giảm mạnh là do nhiều người sợ giá còn giảm thêm nên đua nhau bán, trong khi giá tăng lại đi mua với kỳ vọng còn tăng tiếp. Điều này khiến giá vàng trong nước đang giảm nhanh hơn thế giới”- Giám đốc một công ty vàng xác nhận.

 

 

Nếu giá vàng thế giới không phá mốc 2.200 USD/ounce, vàng thế giới sẽ tăng trở lại còn khi đã phá mốc này giá vàng sẽ lập tức giảm tiếp.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng

 

Như vậy với những người mua vào ở thời điểm 82,5 triệu đồng, chỉ sau 1 đêm đã mất 4,5 triệu đồng/lượng (do chênh lệch giá mua - giá bán).

Chưa hết rủi ro

Trên thế giới, trưa ngày ngày 13/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.158,3 USD/ounce, giảm 13,7 USD/ounce so với ngày trước đó.

Tuy nhiên, mức điều chỉnh của vàng trong nước vẫn lớn hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng rất lớn. Giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn 16,62 triệu đồng/lượng còn giá vàng nhẫn SJC cao hơn 4,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Trước đó, đã có nhiều cảnh báo về áp lực chốt lời cùng với giá vàng SJC chênh quá cao so với thế giới nhà đầu tư không nên mua vàng, vì khi giá thế giới điều chỉnh sẽ kéo theo trong nước suy giảm trở lại.

Nhận định về giá vàng thế giới, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của BullionVault Adrian Ash nhận định, hoạt động đầu cơ khiến đà tăng của vàng tiếp tục được thúc đẩy. Điều này gây rủi ro khi vàng bị bán tháo chốt lời, khiến giá quay đầu giảm mạnh. Một số tổ chức tài chính như Bank of America cũng đưa ra khuyến cáo vàng trong những tháng gần đây đã ở trong tình trạng “quá mua”. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nên cẩn trọng trong thời gian tới.

Dữ liệu mới về CPI của Mỹ được công bố, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết CPI tháng 2 đã tăng 0,4% so với tháng 1 đầu năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đạt mức tăng cao nhất trong 5 tháng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Giới phân tích cho rằng, với dữ liệu này, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hoãn việc cắt giảm lãi suất đến nửa cuối năm.

Dự báo về giá vàng thế giới, nhà sáng lập công ty tài chính Felder Report Jesse Felder dự báo, còn nhiều biến động vì tác động của chính sách. Giá vàng vẫn chịu ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, tâm lý kỳ vọng nhà đầu tư về việc Fed khả năng sẽ giảm lãi suất. Ngoài ra, giá vàng còn chịu nhiều lực tác động trái chiều và rất khó đoán định từ tình hình kinh tế.

Với giá vàng trong nước, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho rằng, khó nhận định được giá vàng, tăng giảm thời điểm nào. Tuy nhiên, vàng trong nước còn rất nhiều rủi ro. Đầu tiên có thể kể đến là giá vàng miếng SJC trong nước có sự chênh lệch rất lớn so với giá vàng thế giới. Chỉ cần có thông tin bất lợi, giá vàng trong nước có thể giảm mạnh hơn giá vàng thế giới rất nhiều, gây ra thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.

 

 

Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu vàng cũng là yếu tố làm cho giá vàng tăng vọt. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn biến động theo cung - cầu, tâm lý người mua… và tất nhiên mức chênh lệch so với giá thế giới vẫn sẽ rất cao.

 

Vị này cũng cho rằng, khi chính sách sửa đổi về nguồn cung vàng, giá vàng trong nước có thể bị điều chỉnh. Thay vì mua bán theo đám đông để lướt sóng ngắn hạn; kênh đầu tư vàng chỉ nên là một trong những kênh đầu tư nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư. Do đó, nhà đầu tư nên phân bổ một phần danh mục đầu tư của mình khoảng từ 10 - 20% tùy từng giai đoạn vào kênh đầu tư này để hạn chế rủi ro có thể gặp phải.