Câu hỏi
Vợ chồng anh trai tôi cam kết thế chấp sổ đỏ nhà đất cho người khác vay ngân hàng nhưng lại nghĩ đó chỉ là cho mượn, lấy về lúc nào cũng được, không sợ mất. Liệu trường hợp thế chấp sổ đỏ nhà đất cho người khác vay ngân hàng có rủi ro không?
Trả lời
Đây là suy nghĩ của nhiều người khi cho thế chấp sổ đỏ của chính mình để đảm bảo cho khoản vay của người khác. Họ chỉ nghĩ đó là cho mượn cuốn sổ đỏ, còn mình đang giữ đất. Bên mượn sổ đỏ thế chấp sẽ phải tự chịu trách nhiệm trả nợ, sau đó hết thời hạn mượn sẽ mang sổ đỏ về trả lại. Dường như họ nghĩ rằng sổ đỏ và thửa đất là hai thứ riêng biệt, không liên quan đến nhau. Và mình đang quản lý, sử dụng, xây dựng nhà cửa, ở trên đất thì chẳng sợ mất nhà đất.
Với những suy nghĩ chủ quan như trên nên nhiều người khi thấy ngân hàng siết nhà, cơ quan tố tụng đến định giá, phát mại tài sản thì mới tỉnh ngộ, nhận ra hậu quả pháp lý của việc cho mượn sổ đỏ thế chấp có thể đối diện nguy cơ mất trắng căn nhà mình đang ở. Lúc này họ loay hoay, tìm cách ràng buộc trách nhiệm của bên vay nợ, nhưng đâu biết rằng đến cơ sự này thì bên vay nợ đã buông xuôi, thoái thác, bỏ mặc ngân hàng, cơ quan tố tụng đến siết nhà đất của chủ tài sản.
Nhiều chủ tài sản khi ra Tòa vin vào lý do bị lừa dối, chỉ cho mượn, giao dịch giả tạo nhằm che đậy giao dịch khác nhưng vẫn bị Tòa án bác bỏ luận điểm này và vẫn cho phía ngân hàng được quyền phát mại tài sản thế chấp để trả nợ thay cho khoản vay. Đây cũng là bài học cho rất nhiều chủ tài sản, không có chuyện mượn sổ đỏ, mà bản chất đây là cam kết, bảo lãnh bằng tài sản để trả nợ thay nếu bên vay không trả được nợ. Giải pháp tốt nhất là không tin vào bất kỳ hứa hẹn, cam kết của ai muốn mượn sổ đỏ để thế chấp, từ chối mọi yêu cầu như vậy để tránh mọi rắc rối có thể xảy ra về sau.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn