Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sách giáo khoa tiếp tục làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/11 tiếp tục ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội đề cập đến vấn đề dư luận đang quan tâm về bộ sách giáo khoa.

Sáng 1/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Cơ sở nào giao Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn sách giáo khoa?

Xung quanh đề xuất "Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa" đang có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là một trong những điểm nhấn thành công, khi triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, cần có một bộ sách để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống khi cần thiết vẫn đảm bảo đến năm học mới có sách giáo khoa; đồng thời thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với biên soạn sách giáo khoa.

Trong phát biểu trước nghị trường, tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm về cơ sở giao cho Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa…

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng), dù Bộ Giáo dục & Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn. Ảnh: Quochoi.vn
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng), dù Bộ Giáo dục & Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với ý kiến cho rằng Nghị quyết 88 là Nghị quyết gốc, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy khẳng định, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hề có khái niệm Nghị quyết gốc và cũng không hề phân biệt cấp độ của các Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu cho rằng, thay vì giao Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì việc tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số mới là việc cấp thiết hơn.

Bên cạnh đó, dù Bộ Giáo dục & Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, trong phiên thảo luận ngày 31/10, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn tỉnh Cà Mau) cho rằng, cần làm rõ mức chi phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa. Đại biểu cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, các vị đại biểu Quốc hội đã nhận được báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51 của Quốc hội khóa XIV về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đánh giá cao một số nhóm giải pháp liên quan đến nội dung này, song đại biểu Nguyễn Duy Thanh chỉ rõ, báo cáo giám sát có nêu số liệu trong giai đoạn 2015 - 2022, Chính phủ đã bố trí 213.449 tỉ đồng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Trong đó, chi thường xuyên chiếm 38,3%, chi đầu tư chiếm 61,7%.

Do đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị các cơ quan cung cấp số liệu cho biết mức chi trên vượt bao nhiêu so với mức chi bình thường cho giáo dục phổ thông theo quy định? Mức chi phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu, gồm những khoản nào? Theo đại biểu, nếu không rành mạch, rõ ràng, con số này có thể gây hiểu lầm về cách Chính phủ chi tiêu ngân sách nhà nước và kinh phí phí đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn sách giáo khoa gây tranh cãi

Trước việc giao Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Duy Thanh không tán thành, vì việc này không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 và Luật Giáo dục năm 2019. Cả hai văn bản đều đã điều chỉnh Nghị quyết 88/2014. Chưa kể, việc giao Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa còn không phù hợp với thực tế, khi chủ trương xã hội hóa đã đạt được những kết quả và đang triển khai thuận lợi.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn

"Việc này dẫn đến không cho phép xã hội hóa, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hóa, đi ngược lại xu hướng của quốc tế", đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu quan điểm.

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị bóc tách kinh phí thực hiện cho chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu là điều nên làm, tuy nhiên trong quá trình giám sát không thể làm được. Bởi vì quá trình triển khai chương trình sách giáo khoa mới là triển khai theo một lộ trình có sự tiếp nối giữa thực hiện chương trình cũ và chương trình mới, do vậy chỉ có thể bóc tách một số kinh phí thực hiện riêng.

Về xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, đây là một trong những điểm nhấn và thành công khi triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quá trình xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa với sự tham gia của lực lượng rất lớn các nhà khoa học, nhà giáo (hơn 1.500 người). Chúng ta cũng ghi nhận thành công trong xã hội hóa sách giáo khoa là cần thiết.

Liên quan câu hỏi Bộ Giáo dục & Đào tạo có nên biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không, có trái với Nghị quyết 122/2020 hay không, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa viện dẫn Nghị quyết 88/2014 và cho rằng đây là nghị quyết gốc, yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo làm một bộ sách giáo khoa. “Bộ Giáo dục & Đào tạo nên làm một bộ sách giáo khoa để chủ động trong mọi tình huống” - đại biểu nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, dựa trên cơ sở thực tiễn thì chưa nên giao cho Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa mà quan trọng nhất vào thời điểm này tập trung giao cho Bộ Giáo dục & Đào tạo nghiên cứu và nghiêm túc triển khai phương án lựa chọn và sử dụng có hiệu quả các bộ sách giáo khoa đã và đang sử dụng hiện tại.

“Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa chỉ nên thực hiện sau khi có sự tổng kết, đánh giá thời gian tới, cụ thể, khách quan và khoa học” - đại biểu Lưu Bá Mạc nêu quan điểm.