Đã từ lâu, “single mom” không còn là khái niệm xa lạ với mọi người và xã hội, tuy nhiên, để có cái nhìn đúng đắn và từ “người trong cuộc”, Diệu Hiền đã làm một khảo sát xã hội học và có những con số cụ thể về số lượng các bà mẹ đơn thân và đưa ra những quan điểm cá nhân của mình. Từ đó cô đưa ra những lời khuyên nhỏ cho các chị em khi có quyết định dấn bước vào con đường này. “Tôi đã một mình nuôi con, kiếm việc làm, kiếm tiền để sống.
Đêm về, khi con đã ngủ, tôi đọc khá nhiều thứ, kể cả sách vở và những thông tin trên mạng. Chính việc đọc này đã giúp tôi rất nhiều, từ việc có thêm kiến thức, cho đến việc hiểu xã hội hiện đại, cuộc sống xung quanh mình đang diễn ra thế nào. Tôi tìm lại được sự hào hứng trong từng giây phút của cuộc đời mặc dù lúc này còn vô cùng khó khăn” - đây là những chia sẻ của tác giả Diệu Hiền. Cô không thực sự là “bà mẹ đơn thân” theo cách hiểu thông thường (không chồng mà có con), cô chỉ là người mẹ phải nuôi con một mình nên cái cách người đọc tiếp xúc với cuốn sách này cũng nhẹ nhàng hơn chứ không gay gắt.
Làm mẹ, vốn đã là một việc chẳng dễ dàng, nhất lại là một người đóng cả hai vai vừa làm bố vừa làm mẹ trong gia đình. Nhưng làm sao để những đứa trẻ không bị thiệt thòi, dù trong bất kỳ khía cạnh nào: Trên tờ giấy khai sinh, trong cuộc sống hằng ngày, hay thiếu thốn về vật chất
Tác giả đã có cái nhìn thực nhân văn trong cách cư xử và giáo dục bọn trẻ: Hãy dành cho con nhiều tình thương, nhiều sự quan tâm, chăm sóc; tranh thủ mọi lúc, mọi nơi thể hiện sự yêu thương, trìu mến đối với con. Mẹ con càng ríu rít nhiều bên nhau, càng giúp khỏa lấp những chỗ trống mà người đàn ông để lại. Đó là thông điệp nhân văn mà tác giả cuốn sách “Bước qua ngày bão giông” muốn gửi gắm đến độc giả.