Sắm laptop, ipad cho ôsin rèn nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tại chiếc ipad đã được cô ấy sử dụng rất thành thạo và osin trẻ đã biến cái ipad thành vật bất ly thân, còn lập cả facebook để giao lưu, giải trí.

Công việc quá bận rộn, việc chăm sóc con cái từ ăn, ngủ, dạy dỗ đành phó thác cho ô sin trong nhà. Để yên tâm, nhiều gia đình đã quyết định mua cả ipad, laptop cho ô sin sử dụng với mục đích giúp ô sin cập nhật những kiến thức cần thiết, có ích khi chăm trẻ, nội trợ tốt hơn.

Cả hai vợ chồng anh Trần Văn Thuận ở Mai Dịch (Cầu Giấy, HN) đều làm cho một công ty nước ngoài, thu nhập thuộc diện cao nhưng đổi lại rất eo hẹp về thời gian. Cả hai vợ chồng phải vùi đầu vào công việc suốt từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Hầu hết các ngày trong tuần đề làm thêm đến 8 - 9 giờ tối mới được về. Vì thế, dù con còn nhỏ nhưng thời gian gần gũi, chăm sóc được rất ít.

 
Sắm laptop, ipad cho ôsin rèn nghề - Ảnh 1

Anh Thuận chia sẻ: "Công việc thì không thể bỏ, trong khi con cái cũng cần phải chăm sóc, mà giao cho cô giúp việc trong nhà thì không thể yên tâm hết được bởi không phải việc gì họ cũng biết và làm được như mình. Bàn đi tính lại, cách đây ba tháng cả hai vợ chồng tôi đều quyết định bỏ hơn chục triệu đồng mua cho cô giúp việc một chiếc ipad để dùng khi cần có thể tìm hiểu".

 

Anh Thuận kể, lúc đầu cô giúp việc cứ khăng khăng không dùng vì không cần thiết, sau khi hai vợ chồng anh giải thích, nói về vấn đề tiện lợi khi sử dụng thì cô ấy mới bắt đầu học. Và để cô giúp việc sử dụng được chiếc ipad này, hai vợ chồng anh khá vất vả, mất cả tuần liền ngồi dạy từ cách thức mở máy, đánh máy, vào đọc báo, tìm kiếm thông tin trên google...

 

Tuy nhiên, sau ba tháng sử dụng, cô giúp việc đã biết lên mạng học cách chăm trẻ cho khoa học, nấu bột cho trẻ ăn dặm sao cho đúng cách, đủ chất dinh dưỡng, đi chợ cũng biết phân biệt loại thực phẩm nào ngon, không ngon, loại an toàn và không an toàn.

 

Hiện tại chiếc ipad đã được cô ấy sử dụng rất thành thạo và osin trẻ đã biến cái ipad thành vật bất ly thân, còn lập cả facebook để giao lưu, giải trí.

 

"Nhiều hôm hai vợ chồng tôi đi làm về, ngồi ăn cơm thấy cô giúp việc còn khoe, hôm nay lên google tìm kiếm thông tin, học nấu được món sườn theo cách mới rất ngon, vào đọc báo thấy thực phẩm nào bẩn, sữa nào nhiễm độc... rồi còn khuyên hai vợ chồng nên cẩn thận khi chọn sữa cho con", anh cho hay.

 

Theo lời anh Thuận, bỏ hơn chục triệu ra để mua một chiếc ipad cho cô giúp việc là một số tiền không hề nhỏ vì nó bằng cả 4 tháng tiền lương mà gia đình anh trả cho họ. Song, với sự tiện lợi, hữu ích khi cho cô giúp việc sử dụng ipad để chăm sóc con cái đúng cách thì hai vợ chồng lại khá hài lòng.

 

Cùng chung suy nghĩ, chị Hà Thanh Hằng ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị cũng mới sắm cho cô ô sin một chiếc laptop để cô ấy học cách nấu ăn và chăm lo cho hai đứa con nhỏ chị được tốt hơn.

 

Chị Thanh Hằng chia sẻ, chồng chị thường xuyên đi công tác xa cả tháng trời, công việc của chị lại khá bận rộn, thời gian ở nhà chăm sóc con cái rất hạn hẹp. Trước kia chưa mua laptop cho ô sin dùng, các cháu thường chỉ được ăn những món đơn giản mà ô sin hay làm, ăn mãi cũng chán. Khi nào muốn ăn món gì phức tạp một chút thì phải chờ ngày nghỉ hoặc chị phải dạy cho họ cách làm còn giờ thì mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn. Khi cần làm món gì, chị chỉ cần gọi điện, chỉ đạo từ xa tối muốn ăn món gì là ô sin trong nhà tự lên mạng tìm kiếm cách nấu.

 

Không chỉ vậy, ô sin nhà chị giờ còn biết sử dụng laptop để lên mạng học cách làm việc nhà như: mẹo là quần áo sao cho nhanh và đúng cách, học cách đi chợ chọn mua được thực phẩm ngon, cách nói chuyện với trẻ, học làm những loại bánh tráng miệng...

 

"Mọi người cứ bảo, ô sin thì không cần thiết phải dùng đồ công nghệ cao như vậy nhưng tôi nghĩ, ai cũng cần. Có thể mới đầu mình phải dạy từng tý một nhưng khi đã thành thạo thì nó rất có ích khi tìm hiểu kiến thức chăm trẻ cũng như kiến thức về nội trợ", chị Thanh Hằng nói.

 

Chị Thanh Hằng còn cho hay, một vài gia đình người bạn chị có điều kiện về kinh tế còn sắm cả ipad cho ô sin sử dụng. Họ nói, nhiều khi đi siêu thị, đi chợ hay bất cứ đâu, khi muốn biết thêm thông tin gì thì ngay lập tức ô sin có thể bỏ ipad lên mạng tìm kiếm rất nhanh và tiện lợi.

 

Trao đổi về hiện tượng này, anh Thanh Hoàng, Giám đốc một Trung tâm giới thiệu việc làm ở Trung Kính - Hà Nội cho biết, đây là một xu hướng mới và tích cực. Các gia đình không nên xem đó là xa xỉ mà xem đó như việc trang bị thêm công cụ, kiến thức để người giúp việc làm việc tốt hơn.

 

Tuy nhiên, theo anh Hoàng, việc này cũng cần phải rất sức đề phòng những mặt trái của các dịch vụ trên mạng mang lại. Điều quan trọng là phải hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người sử dụng để hiểu và dùng đúng các thông tin và dịch vụ trên mạng.