Samsung sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng Hàn Quốc khẳng định sẽ hỗ trợ hết khả năng để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng cũng như phát triển nền công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Hôm nay (15/7), Vụ Công nghiệp nặng phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức Triển lãm - Hội thảo công nghiệp hỗ trợ của Samsung Điện tử với mục tiêu tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước có khả trở thành nhà cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho Samsung.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công ThươngTrần Tuấn Anh cho biết, phía doanh nghiệp Việt Nam không chỉ muốn tăng cường hợp tác sản xuất với Samsung mà còn muốn tạo mối liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm từng bước xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 
Không chỉ đối với điện tử, doanh nghiệp trong nước còn có thể tham gia vào nhiều ngành khác như da giày, dệt may
Không chỉ đối với điện tử, doanh nghiệp trong nước còn có thể tham gia vào nhiều ngành khác như da giày, dệt may
Đánh giá về công nghiệp hỗ trợ, Thứ trưởng cho rằng đây là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp lắp ráp. Công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Theo Thứ trưởng, mặc dù Samsung Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tư lớn nhất vào Việt Nam nhưng số lượng các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung còn thấp, chiếm chưa đến 10% tổng số các nhà cung ứng của Samsung.

Các doanh nghiệp trong nước mới chỉ tham gia được vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp do năng lực sản xuất còn nhiều hạn chế, Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để có cơ sở pháp lý đủ mạnh nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Bộ Công thương đã trình Chính phủ Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ với những cơ chế, chính sách toàn diện, khả thi và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam.

Đi đôi với chính sách, Bộ cũng sẽ phối hợp với Samsung trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước có năng lực, đồng thời bồi dưỡng những doanh nghiệp này để đủ khả năng trở thành nhà cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho Samsung.

Trao đổi về giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Han Myoungsup- Tổng giám đốc khu vực tổ hợp sản xuất Samsung đánh giá, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh việc Chính phủ hỗ trợ vốn và chính sách thông qua việc đầu tư cho doanh nghiệp và tìm đầu ra cho sản phẩm, phía doanh nghiệp cũng cần có tầm nhìn dài hạn đối với việc gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Phía Samsung sẵn sàng hợp tác trong những lĩnh vực mà hãng có thể hỗ trợ kỹ thuật, ông Han Myoungsup cam kết.

Cũng tại hội thảo lần này, Samsung đã công bố danh sách các linh kiện mà công ty có nhu cầu tìm kiếm từ các nhà cung cấp Việt Nam. Hãng cùng với đại diện Bộ Công thương đã trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa mục tiêu trở thành nhà cung cấp linh phụ kiện cho Samsung, cũng như những biện pháp cần thiết của Chính phủ để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

Theo thông tin từ Samsung Việt Nam, hiện 2 nhà máy của hãng tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang có hơn 100.000 nhân viên trực tiếp làm việc. Ngoài ra, hãng còn có Trung tâm nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội với 1.450 nhân viên và trong tương lai sẽ trở thành trung tâm đầu não về R&D tại khu vực Đông Nam Á.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần