Việc chính quyền Mỹ hủy lệnh miễn trừ trừng phạt của Mỹ đối với Iran, cùng với bất ổn chính trị kéo dài ở Venezuela, dẫn đến khả năng nguồn cung dầu thô toàn cầu bị thắt chặt hơn. Tuy nhiên, sản lượng tại Mỹ tiếp tục đứng ở mức cao kỷ lục gây áp lực khiến giá dầu đi xuống trong tuần này.
Theo báo cáo mới nhất, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng gần 10 triệu thùng và sản xuất của Mỹ đã phá kỷ lục là 12,3 triệu thùng mỗi ngày.
Giá dầu đi lên ngay trong phiên 29/4 sau khi Ả Rập Saudi cho biết, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh có thể được gia hạn tới cuối năm 2019.
Sang phiên ngày 30/4, âm mưu đảo chính tại Venezuela tiếp tục tác động tới thị trường dầu mỏ, song giá “vàng đen” đã ổn định ở cuối phiên sau khi Chính phủ nước này cho biết hoạt động của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia PDVSA không bị ảnh hưởng.
Giá dầu kéo dài xu hướng giảm sang phiên giao dịch ngày 1/5 sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo cho hay, trong tuần kết thúc vào ngày 26/4, lượng dầu thô thương mại dự trữ của Mỹ đã tăng 9,9 triệu thùng so với tuần trước đó. Như vậy, với 470,6 triệu thùng, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã ở mức trung bình trong 5 năm vào thời gian này hàng năm.
Giá “vàng đen” tiếp tục trượt dốc gần 3% trong phiên ngày 2/5, bất chấp việc Mỹ siết chặt trừng phạt Iran sau khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu của Iran, trong đó có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, giá dầu thế giới quay đầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 3/5 sau khi dữ liệu khả quan về kinh tế Mỹ giúp cải thiện dự báo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, sản lượng dầu suy giảm của Iran và Venezuela tiếp tục đặt ra mối lo về sự thắt chặt nguồn cung.
Mặc dù vậy, giá dầu vẫn ghi nhận tuần giảm giá do số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh.
Chốt phiên giao dịch này, giá dầu Brent giao sau tăng 0,1 USD/thùng, đạt 70,85 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,6%, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tục trước đó.
Trong khi đó, giá dầu WTI giao sau tăng 0,13 USD/thùng, chốt ở 61,94 USD/thùng. Tuần này, giá dầu WTI cũng hạ khoảng 3%, đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo hàng tháng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 263.000 việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp trong tháng 4, vượt xa dự báo.
Dữ liệu này được đánh giá là một tín hiệu chứng tỏ kinh tế Mỹ đang trong tình trạng tốt, đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ có thể giữ được sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang thận trọng với thống kê công bố hôm 1/5 cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2017 và sản lượng khai thác dầu của nước này lập kỷ lục ở 12,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là nhóm OPEC+. Nhóm này đã giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày nhằm vực dậy giá dầu sau đợt giảm sâu hồi cuối năm ngoái.
Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela cũng khiến nguồn cung dầu của hai nước thành viên OPEC này sụt giảm, hỗ trợ thêm cho đà đi lên của giá dầu.
Giới thạo tin cho biết, Nga đã giảm sản lượng dầu tới 10% trong những ngày gần đây do hoạt động xuất khẩu dầu của nước này sang một số nước châu Âu bị gián đoạn vì nguồn dầu bị ô nhiễm.
Cũng theo các nguồn thạo tin, sản lượng dầu của Ả Rập Saudi có thể tăng nhẹ trong tháng 6 để đáp ứng nhu cầu phát điện trong nước, nhưng mức sản lượng vẫn sẽ nằm trong hạn ngạch của thỏa thuận OPEC+.
Nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới được dự báo khai thác khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5, tăng nhẹ so với sản lượng của tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn hạn ngạch 10,3 triệu thùng/ngày quy định trong thỏa thuận OPEC+.
Nhà đầu tư cũng tỏ ra nghi ngờ về việc liệu Ả Rập Saudi, nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, sẽ quyết định giúp bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt dầu nào từ thị trường, hay chuyển sang gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng với các nhà sản xuất chủ chốt do thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2019.
Mỹ vẫn tin tưởng Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt cung dầu toàn cầu trong trường hợp giá “vàng đen” tăng mạnh. Song hiện Riyadh chưa đưa ra cam kết cụ thể nào, mà chỉ nói sẽ có sự phản hồi đối với nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, sản lượng dầu đá phiến cao kỷ lục của Mỹ đang phần nào xoa dịu mối lo về khả năng xảy ra một tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.