Sản phẩm làng nghề đã đến với người dân

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, “Tuần hàng Việt” tổ chức tại huyện Thanh Trì (4 - 9/10) đã thu hút 70 DN, cơ sở sản xuất tham gia giới thiệu hàng Việt, một số sản phẩm truyền thống của huyện Thanh Trì.

Cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá
Ông Đặng Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì chia sẻ: Khi nhắc đến huyện Thanh Trì, người tiêu dùng (NTD) nhớ đến đặc sản bánh cuốn Thanh Trì, nghề dệt quai thao Triều Khúc, sơn vẽ Đông Phù, mây tre Vạn Phúc… Việc tổ chức Tuần hàng Việt đã tạo cơ hội cho các nghệ nhân, cơ sở sản xuất trên địa bàn giới thiệu các sản phẩm của mình tới NTD, đồng thời góp phần xây dựng đưa những địa danh trên trở thành điểm đến du lịch văn hóa làng nghề của Hà Nội.

Người dân chọn mua hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam 2016 tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng

Đại diện Công ty CP Thực phẩm Hương Sơn cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Công ty gắn bó với các sản phẩm mang nét truyền thống của Việt Nam như giò, chả... Việc Sở Công Thương tổ chức Tuần hàng Việt đã hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm, qua đó mở rộng hệ thống tiêu thụ. Trong khi đó, ông Lê Xuân Hà - Chủ nhiệm HTX Thanh Sơn (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Tham gia Tuần hàng Việt tổ chức tại huyện Thanh Trì lần này đã tạo điều kiện cho HTX tiêu thụ một lượng lớn nông sản như táo mèo, nhãn chín muộn, thịt gác bếp… Trong thời gian tới, HTX mong muốn mở rộng kênh tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, qua đó đưa đặc sản vùng miền tiếp cận với người dân Thủ đô.
Những phiên Tuần hàng Việt đã và đang chứng tỏ hiệu quả trong việc hỗ trợ DN tăng doanh thu, người sản xuất có được đầu ra ổn định. Quan trọng hơn cả, hoạt động này đã tạo cơ hội cho thương hiệu sản phẩm Việt chiếm được tình cảm và sự tin cậy của người dân Thủ đô, hỗ trợ DN thay đổi định hướng kinh doanh. Tuy nhiên, để hàng Việt chiếm lĩnh sâu hơn thị trường nội địa, bên cạnh sự nỗ lực của ngành công thương còn đòi hỏi chính bản thân DN cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển hệ thống phân phối, nhất là tại khu vực ngoại thành.
Rộn ràng mua sắm
Nhằm thu hút NTD, các DN tham gia Tuần hàng Việt đã khảo sát thực tế, từ đó xây dựng cơ cấu hàng hóa phù hợp với nhu cầu mua sắm của người dân. Có mặt tại sân vận động huyện Thanh Trì trong những ngày diễn ra Tuần hàng Việt mới thấy không khí mua bán tấp nập của bà con ngay từ ngày đầu khai mạc.
Sau khi tham quan khu hội chợ, trên hai tay nặng trĩu các túi hàng, bác Nguyễn Thị Minh, trú tại đường Phan Trọng Tuệ, thị trấn Văn Điển hồ hởi nhận xét: “Mặc dù hầu hết các sản phẩm bày bán trong chương trình có giá bán tương đương ngoài thị trường, nhưng quan trọng hơn đây là hàng do các DN trực tiếp phân phối nên tôi rất yên tâm về chất lượng”. Nhiều người dân sau khi đến với Tuần hàng Việt bày tỏ mong muốn chương trình có thêm nhiều gian hàng, đa đạng hóa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để NTD có thêm cơ hội lựa chọn sản phẩm.
Ông Nguyễn Huy Chương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì chia sẻ, việc ngành công thương Hà Nội phối hợp các địa phương tổ chức Tuần hàng Việt đã góp phần thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bên cạnh đó, Tuần hàng Việt cũng là dịp để lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống hàng giả, nhái nhãn mác, từ đó đảm bảo quyền lợi cho NTD.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, việc đảm bảo chất lượng hàng hóa luôn được ngành công thương đặt lên hàng đầu. Cụ thể, tham gia Tuần hàng Việt là điều kiện tập trung giới thiệu và bán các sản phẩm hàng hóa do DN trong nước sản xuất, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, ATTP. Bên cạnh đó, khi đến đây, các DN luôn đặt tiêu chí quan trọng nhất là hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của NTD phải có đầy đủ những tiêu chí trên, đồng thời giá cả hợp lý để phục vụ người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần