Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẵn sàng ngay từ bây giờ

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ có vaccine mới có thể đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Điều đó không có gì phải bàn cãi khi nhiều quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 70% dân số. Bởi vậy, số ca nhiễm mới, số ca nhập viện, và quan trọng hơn cả, số người chết vì Covid-19 ở những quốc gia hoàn thành chiến dịch tiêm chủng đã ở mức thấp nhất kể từ đầu mùa dịch đến nay.

Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, ngày 8/3 bắt đầu triển khai mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên. Cho đến nay, sau hơn 3 tháng, trên cả nước chỉ mới có hơn 3 triệu người được tiêm phòng, chiến dịch tiêm được cho là “quá chậm” do nguồn vaccine trong thời gian qua cung không đủ cầu. Chính phủ và Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để đủ nguồn cung vaccine tiêm cho 75% dân số trong năm 2021. Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ tháng 8 trở đi, tất cả nguồn vaccine phòng Covid-19 mà Việt Nam tiếp cận được (khoảng 150 - 170 triệu liều) sẽ về tương đối nhiều, cho đến cuối năm, sẽ đáp ứng mục tiêu tiêm chủng đề ra.
Đối với Hà Nội, TP đã hoàn thành tiêm 3 đợt vaccine phòng Covid-19 (đợt 1 là 8.000 liều vaccine; đợt 2 hơn 53.000 liều; đợt 3 là 71.000 liều). Trong tuần qua, TP được phân bổ thêm 20.000 liều, sẽ được tiêm trong thời gian sớm nhất. Thời gian tới, ngành y tế đang xây dựng phương án, chiến dịch tiêm từ nay đến hết năm 2021 và sang đầu năm 2022 với mục tiêu phấn đấu 70% dân số Hà Nội được tiêm đủ 2 mũi. Về kinh phí tiêm vaccine, UBND TP Hà Nội cho biết, nguồn kinh phí được lấy từ nguồn trung ương thông qua phân bổ vaccine, còn ngân sách TP sẽ mua vaccine ngoài nguồn được phân bổ, đồng thời sử dụng nguồn viện trợ, hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Theo kế hoạch của Sở Y tế, cao điểm, Hà Nội có thể đạt 200.000 mũi tiêm/ngày và TP cũng đã dự kiến 3 phương án tổ chức tiêm.
Nhìn lại công tác tiêm vaccine thời gian qua trên địa bàn cả nước, có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu 70 - 75% dân số được tiêm trong năm nay, sẵn sàng nguồn cung vaccine là chưa đủ, mà cần phải chuẩn bị cơ sở hậu cần và nguồn nhân lực để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng diện rộng ngay từ bây giờ. Đơn cử, chiến dịch thần tốc tiêm vaccine tại TP Hồ Chí Minh “vỡ trận” trong mấy ngày qua đang dấy lên nhiều lo ngại. Lo về việc không bảo đảm phòng dịch bởi tình trạng hàng nghìn người xếp hàng chờ tiêm trong khi dịch đang vô cùng nóng tại địa phương này, lo về không hoàn thành kế hoạch tiêm chủng đề ra, và thực tế TP Hồ Chí Minh đã không đạt kế hoạch tiêm theo kế hoạch.
Tới đây, trên cả nước sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với khoảng 15.000 điểm tiêm. Nếu không sẵn sàng ngay từ bây giờ, từ công tác tập huấn đến việc tổ chức, sắp xếp, lên kế hoạch khoa học, bài bản, e rằng sẽ khó tránh khỏi những bất cập. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, chiến dịch lần này sẽ có sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, từ vận chuyển, bảo quản, phân phối vaccine và tiêm chủng. Đặc biệt, tất cả các điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng CNTT sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số liều vaccine được sử dụng. Tất cả đều được kiểm soát đồng bộ.
Hy vọng, với nỗ lực của Chính phủ, của ngành Y tế, chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất lịch sử trong thời gian tới sẽ đạt được kết quả mong đợi. Nhưng, theo các chuyên gia y tế, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của vaccine, nhưng ngoài vaccine, ý thức phòng bệnh của mỗi người là vô cùng quan trọng. Dù được tiêm đủ 2 mũi vaccine, vẫn rất cần biện pháp 5K.