Sẵn sàng xử trí phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đến nay, cả nước có 88.820 liều vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.

Để kế hoạch tiêm chủng được diễn ra an toàn, các nhà trường và ngành y tế đã có sự phối hợp chặt chẽ sẵn sàng, xử trí cấp cứu khi trẻ có phản ứng sau tiêm.

Khám sàng lọc cho học sinh trước khi tiêm tại trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Khám sàng lọc cho học sinh trước khi tiêm tại trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải

Trì hoãn tiêm trong 3 tháng sau mắc Covid-19: PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, có 2 loại vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi ở Việt Nam là vaccine Pfizer và Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần.

Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào. Trẻ chỉ tiêm 1 loại vaccine ở cả 2 mũi tiêm, một là Moderna, hai là Pfizer, tuyệt đối không tiêm trộn. Khi tiêm mũi đầu cho trẻ có thể sẽ không gặp vấn đề nhầm lẫn.

Tuy nhiên, khi tiêm mũi thứ hai, cán bộ y tế và phụ huynh cần phối hợp để tránh việc tiêm nhầm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ. Việc tiêm vaccine sẽ được triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Với mỗi lô vaccine và từng nhóm trẻ, Bộ Y tế đã/sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Chuyên gia cho rằng, có nhiều buổi tiêm chủng khác nhau, cha mẹ nên đưa con đi tiêm chủng khi trẻ khỏe mạnh. Đặc biệt, nếu trẻ nghi ngờ mắc Covid-19 thì cũng không nên tiêm chủng. Nếu đã mắc Covid-19, trẻ cần được trì hoãn tiêm trong 3 tháng sau mắc.

Vai trò của phụ huynh trong việc theo dõi trẻ sau tiêm vaccine Covid-19 được các chuyên gia lưu ý. Trẻ có thể gặp các phản ứng như sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm. Đây đều là những phản ứng bình thường, phụ huynh không nên quá lo lắng, không bôi, chườm hoặc đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Những phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, kể cả ban đêm khi trẻ và gia đình đi ngủ. Trong khi trẻ trong độ tuổi này thường hiếu động, có trẻ chưa biết bày tỏ các bất thường của cơ thể. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi thật sát, luôn bên cạnh con 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, để an toàn tiêm cho trẻ, phụ huynh cần phải lưu ý, trước khi tiêm chủng cần theo dõi ăn ngủ bình thường hay không, trẻ có vấn đề về viêm đường hô hấp (ho, chảy nước mũi…).

Chỉ tiêm khi trẻ thực sự khỏe mạnh. Đối với trẻ có đang có vần đề viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 không đưa trẻ tới điểm tiêm chủng. Tại điểm tiêm phụ huynh cần chia sẻ với bác sĩ về tình trạng dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ để bác sĩ hướng dẫn trường hợp đó nên tiêm tại bệnh viện hay điểm tiêm tại trường. Đặc biệt, nếu trẻ nghi ngờ mắc Covid-19 thì cũng không nên tiêm chủng.

“Trước khi tiêm chủng phụ huynh cần phải được biết con tiêm vaccine gì và các phản ứng ra sao? Sau tiêm trẻ cần ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi sát các phản ứng phản vệ. Liên tục theo dõi trẻ trong 3 ngày đầu sau tiêm. Sau tiêm vaccine Covid-19, phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng bất thường như phát ban, li bì, sốt... Nếu các biểu hiện thông thường này ngày càng tăng lên cần đứa trẻ đi khám" - PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo.

Tránh vận động mạnh sau tiêm: Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vaccine phòng Covid-19, TS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, cha mẹ cần lưu ý các mốc thời gian sau khi tiêm của trẻ 30 phút tại tiêm chủng; 24 tiếng sau tiêm; 3 ngày sau tiêm, 1 tuần và 28 ngày sau tiêm… theo đó cần phối hợp với nhà trường theo dõi chặt chẽ diễn biến ở trẻ.

Đặc biệt, lưu ý trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine, phụ huynh cần chú ý không để trẻ vận động mạnh, thực hiện các hoạt động gắng sức, hay chơi thể dục thể thao. Bởi sau khi tiêm vaccine, trẻ sẽ đau cơ, các hoạt động vận động mạnh sẽ khiến trẻ bị căng cơ, gây đau ở vị trí tiêm, có thể có hội chứng viêm tại vùng tiêm.

Ngoài ra, theo chuyên gia, sau khi trẻ tiêm vaccine, cha mẹ cần ghi nhận nhiệt độ của trẻ mỗi 4 - 6 giờ, không nên cho trẻ ngủ một mình, để ý trẻ khi ở quá lâu trong nhà vệ sinh hay phòng riêng. Trẻ cần ngủ đủ và uống đủ nước, hạn chế uống những chất kích thích như cà phê, nước ngọt, trà sữa, nước tăng lực... Trẻ không cần kiêng tắm hay thức ăn gì, trừ những thức ăn đã làm trẻ dị ứng trước đây. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trước và sau khi tiêm.

“Trong quá trình theo dõi sau tiêm ở trẻ, nếu có những dấu hiệu sau cần cho trẻ đến cơ sở y tế ngay. Cụ thể như trẻ kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa...; đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi; khó thở khi hoạt động bình thường, khi nằm; sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24 giờ; xuất hiện vân tím trên da; phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ... Thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ nên cho trẻ tới cơ sở y tế để tư vấn, thăm khám" - TS Lê Viết Ngãi khuyến cáo.