Theo Bộ NN&PTNT, những năm gần đây, diện tích hồ tiêu của Việt Nam tăng rất nhanh. Năm 2001, cả nước có 35.300ha, năm 2010 diện tích 51.500ha, đến năm 2017 lên đến trên 151.900ha. Nhưng đến năm 2018, diện tích hồ tiêu có dấu hiệu giảm dần còn 149.800ha và dự kiến năm 2019 khoảng 140.000ha.
Năm 2018, Việt Nam tiếp tục là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu khi chiếm trên 40% về sản lượng và trên 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu. Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu đến trên 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Giá trị xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2016 đạt 176.600 tấn, tăng 34,3% về khối lượng, kim ngạch đạt kỷ lục 1,422 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2015. Năm 2017 cả nước xuất khẩu được khoảng 214.000 tấn, giá trị ước đạt 1,11 tỷ USD giảm 21% so với năm 2016, và năm 2018 xuất khẩu được 232.000 tấn, giá trị đạt 758,8 triệu USD giảm 32,1% về giá trị.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được 180.276 tấn hồ tiêu, kim ngạch xuất khẩu đạt 463,3 triệu USD, lượng xuất khẩu tăng 34,1%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại giảm gần 1% so với cùng kỳ 2018.
Đánh giá của Bộ NN&PTNT chỉ ra, sản xuất hồ tiêu của Việt Nam còn chưa bền vững do diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt. Dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm.
Bên cạnh đó, công tác giống còn nhiều hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện. Sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện. Tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu…