Sản xuất mía đường: Bao năm vẫn… đắng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 3 vụ suy giảm, niên vụ 2011 - 2012 sản xuất mía đường trong nước cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu đáng mừng đó, ngành sản xuất mía đường vẫn còn không ít nỗi lo như năng suất mía thấp, tỷ lệ hao hụt cao, thu mua chưa ổn định...

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), niên vụ 2011 - 2012, diện tích mía cả nước đạt trên 283.000ha, tăng hơn 11.800ha so với vụ trước. Năng suất mía bình quân cả nước đạt 61,7 tấn/ha, sản lượng đạt 17,5 triệu tấn (tăng 1,1 triệu tấn so với vụ trước) sản xuất ra 1,3 triệu tấn đường, tăng 55.780 tấn so với vụ trước. Có thể nói, đây là vụ mía thắng lợi nhất về năng suất, sản lượng mía từ trước đến nay.

Mặc dù vậy, chất lượng mía vụ này lại thấp hơn vụ trước. Thực tế trữ lượng đường của mía khi thu hoạch cao hơn nhiều, song khi đưa vào chế biến đã bị giảm do tạp chất cao (trên 10%) và tỷ lệ mía thu hoạch xong không được đưa vào chế biến ngay rất lớn.
 
Sản xuất mía đường: Bao năm vẫn… đắng - Ảnh 1
Sản xuất đường kính trắng tại Công ty CP mía đường Sơn Dương.Ảnh: Anh Tuấn

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, năng suất, chất lượng mía tuy có được cải thiện nhưng còn chậm. Với mức năng suất hiện tại, chỉ sản xuất được 5,4 tấn đường/ha, tương đương 50% năng suất bình quân của thế giới. Điều đáng nói, hiện nay, các giống mía cũ vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Tại các tỉnh trồng mía trọng điểm, các giống cũ như My55-14 vẫn chiếm tỷ lệ khoảng 25%. Các giống mới và những giống đưa ra trong khoảng 10 năm gần đây hiện chỉ chiếm tỷ lệ khoảng trên 40%  diện tích.

Đặc biệt, hiện nay các nhà máy ép mía vẫn chưa tổ chức được hệ thống nhân giống đảm bảo chất lượng để cung cấp giống cho diện tích trồng mới vùng nguyên liệu hàng năm. Niên vụ 2011 - 2012, 20/39 nhà máy có diện tích nhân giống nhưng diện tích chỉ đạt 4.746ha mía giống, mới đáp ứng được 48,6% yêu cầu. Một hạn chế nữa là hầu hết các vùng mía trồng trên đất đồi bãi sử dụng nước trời, diện tích có tưới bổ sung khoảng hơn 10.000ha, chỉ chiếm 6,4% diện tích mía đồi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến năng suất mía của nước ta thấp. Ngoài ra, tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu vẫn còn tiếp diễn do mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo...

Dự kiến, niên vụ 2012 - 2013, diện tích mía cả nước sẽ tăng 16.600ha, đạt xấp xỉ 300.000ha, năng suất bình quân đạt 63 tấn/ha, sản lượng mía ước đạt 18,9 triệu tấn. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận tiện cho áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Các công ty đường gắn kết với Trung tâm Khuyến nông địa phương tổ chức nhân rộng các mô hình thâm canh, tăng năng suất, chất lượng mía và thu mua sản phẩm cho nông dân...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần