Sáng tạo trong phát huy thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã xây dựng, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa.

Tại huyện Đông Anh, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy, công tác xây dựng nhân sự, mô hình quản lý, cơ sở vật chất; phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa trên địa bàn Đông Anh có chuyển biến rõ nét và không ngừng nâng cao chất lượng.

Thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã xây dựng, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa. Tại huyện Đông Anh, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy, công tác xây dựng nhân sự, mô hình quản lý, cơ sở vật chất; phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa trên địa bàn Đông Anh có chuyển biến rõ nét và không ngừng nâng cao chất lượng.

Trẻ em vui chơi tại một nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Trẻ em vui chơi tại một nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng

Cụ thể, đến nay, huyện Đông Anh có 153/155 nhà văn hóa thôn, 30/30 nhà văn hóa tổ dân phố đạt chuẩn.

Trong nhiều năm qua, hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất Nhà văn hóa và dụng cụ thể thao không ngừng được được đầu tư, trang bị, lắp đặt tại các nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, làng, tổ dân phố đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của quần chúng Nhân dân.

Trong 2 năm qua, huyện đã đầu tư trang thiết bị 65 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; đã bố trí vốn thực hiện 69 dự án; Huy động các nguồn xã hội hóa, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã vận động đầu tư bảo đảm 100% thiết chế văn hóa đạt chuẩn.

Được biết, để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa trên địa bàn, huyện Đông Anh đã xây dựng quy chế mẫu (gồm 5 chương, 12 điều) quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn làng, tổ dân phố, thành lập, kiện toàn bộ máy quản lý khai thác thiết chế văn hóa; phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn, cán bộ văn hóa xã phụ trách, quản lý trực tiếp.

Huyện thành lập 195/195 Ban chủ nhiệm nhà văn hóa - khu thể thao gồm từ 3 đến 5 đồng chí (Bí thư Chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn, chi ủy, đại diện các đoàn thể) thôn, làng, tổ dân phố; xây dựng “Quy chế tổ chức, hoạt động của nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng tại thôn, tổ dân phố” được UBND xã, thị trấn ban hành quyết định phê duyệt; niêm yết nội quy hoạt động, quản lý sử dụng nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng tại trụ sở nhà văn hóa.

Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa - khu thể thao đã thành lập được 1.172 câu lạc bộ VHTDTT văn hóa (bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng).

Bên cạnh đó, mỗi thiết chế văn hóa truyền thống đang dần trở thành các không gian sáng tạo. Đơn cử, năm 2022, quận Tây Hồ đã đầu tư tái khởi động Không gian văn hóa - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, đổi mới cả về diện mạo, cảnh quan môi trường với các điểm nhấn đẹp mắt, sáng tạo, hấp dẫn và đổi mới trong tư duy cách làm, sự đầu tư bài bản, nghiêm túc, chất lượng trong tổ chức các hoạt động văn hóa.

Chương trình nghệ thuật “Có những con đường” đã thu hút hơn 5.000 người đến với Không gian văn hóa này. Năm 2023, Giải chạy Tây Hồ Half Marathon mùa thứ 3 quy tụ 6.000 vận động viên tham gia và giải chạy “Kids run the Earth” mùa thứ 1 thu hút hơn 1.000 vận động viên nhỏ tuổi với nhiều quốc tịch tham gia đã thành công rực rỡ, ghi dấu ấn sâu sắc về một không gian văn hóa sáng tạo mang bản sắc riêng của Tây Hồ không chỉ với người dân Hà Nội mà với cộng đồng người nước ngoài sinh sống trên địa bàn.

Mặt khác, các quận, huyện cũng phát huy các thiết chế về thể thao. Đơn cử, thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Tập đoàn T&T khảo sát, định hướng quy hoạch Trung tâm đào tạo, huấn luyện bóng đá T&T tại xã Thanh Mỹ (với diện tích 20ha), triển khai kế hoạch đầu tư sân vận động thị xã thành Trung tâm huấn luyện, đào tạo bóng đá trẻ trong khu vực.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 12/15 xã, phường có sân chơi, bãi tập với diện tích 13,53ha; 28 sân bóng đá, 18 sân bóng chuyền, 78 sân cầu lông. Tổng số vốn đầu tư các nhà văn hóa đã được xây dựng khoảng trên 100 tỷ đồng.

Có 115 câu lạc bộ thể thao đang duy trì hoạt động, hằng năm tổ chức nhiều giải thi đấu như: điền kinh, bóng chuyền, bóng đá học sinh Tiểu học, THCS, THPT, giải bóng đá Thiếu niên Hè và giải bóng đá thanh niên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần