Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Tinh gọn đi kèm hiệu quả

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã, tinh gọn bộ máy và giải quyết chế độ chính sách với cán bộ dôi dư là những vấn đề quan trọng được các cấp, ngành quyết liệt thực hiện và luôn nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Cùng với kết quả, vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ để bước vào giai đoạn tiếp theo.

Không chỉ là con số cơ học

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện số 557/CĐ-TTg về việc rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó chỉ ra nhiều vấn đề còn hạn chế và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành vào cuộc để hoàn thiện các quy định, giải quyết thấu đáo vấn đề. Trong đó, bài toán lớn nhất vẫn là giải quyết chế độ chính sách với số cán bộ dôi dư; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất sau khi sắp xếp. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu giải quyết tốt những vấn đề này sẽ tạo động lực cho việc sắp xếp trong giai đoạn tới.

Qua đợt giám sát về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 cũng đã chỉ ra, Chính phủ, chính quyền địa phương đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, TP. Qua đó, cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.

Nhìn lại kết quả sắp xếp giai đoạn vừa qua, TS. Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, đây thực sự là bước đột phá, bởi sắp xếp ĐVHC là một việc làm mới và rất khó, rất phức tạp. Kết quả không chỉ bởi những con số mà quan trọng là khai phá tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đưa chủ trương của T.Ư thành hành động.

Một vấn đề rất quan trọng là sắp xếp, giải quyết chính sách cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã cũng được nhận định thực hiện theo đúng quy định với các giải pháp như giải quyết nghỉ hưu theo chế độ; vận động nghỉ theo diện tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi… Nhiều địa phương đã ban hành quy định riêng để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.

Tuy nhiên, cùng với kết quả đó, thực tế triển khai với vấn đề này vẫn còn lúng túng, số lượng người dôi dư tiếp tục phải giải quyết còn nhiều. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, tuổi đời của phần lớn đội ngũ công chức còn trẻ, nhưng thời gian tiến hành sắp xếp ngắn, chế độ, chính sách chưa đủ để hỗ trợ cán bộ, công chức ổn định cuộc sống sau khi nghỉ việc và tìm công việc mới.

Cùng với đó là sự lãng phí khi còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả cũng được chỉ ra. Việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Công Hùng
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Công Hùng

Như nhiều ý kiến đã chỉ ra, nguyên nhân là do các địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi xây dựng phương án và triển khai thực hiện, do nội dung một số văn bản hướng dẫn chậm ban hành hoặc chưa thật đầy đủ, đồng bộ, chưa thống nhất với nội dung, giải pháp, đặc biệt là các nội dung hướng dẫn liên quan các cơ chế chính sách đặc thù.

Đồng thời hiện chưa có cơ chế tài chính để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc để chờ nghỉ hưu. Chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc phụ thuộc vào nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, trong khi nhiều tỉnh ngân sách còn khó khăn.

Để gỡ “nút thắt” về chính sách cho cán bộ dôi dư

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn 2023 - 2030, trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức bộ máy và giải quyết dôi dư đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp. Bộ Tài chính được giao tham mưu phương án về việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp…

Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ), những chỉ đạo cụ thể, mốc thời gian cần hoàn thành đã được chỉ ra trong Công điện của Chính phủ là cơ sở để các cấp, các ngành nhanh chóng vào cuộc, đưa ra được những quy định phù hợp, để tránh việc sắp xếp như là phép cộng cơ học.

Bởi khi thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã không chỉ gắn với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, mà còn gắn với vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Sau khi hợp nhất phải phát huy được sức mạnh của quy mô dân số, diện tích tự nhiên đúng theo tiêu chí, phát huy nguồn lực của địa phương thì mới đáp ứng mục tiêu sắp xếp.

Để giải quyết được nút thắt về sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, hiện Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế để thay thế Nghị định số 108/2014, Nghị định số 113/2018 và Nghị định số 143/2020 của Chính phủ.

Theo đó, với đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp lại ĐVHC nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp đến trước thời điểm kết thúc lộ trình, ngoài hưởng một trong các chính sách quy định thì được hưởng thêm mức trợ cấp với từng trường hợp.

Như nếu nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng…

Cùng với những chế độ trợ cấp, phải minh bạch, khách quan trong việc sàng lọc, tinh giản cán bộ, công chức với mục tiêu giảm số lượng, nâng chất lượng cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập. Mục tiêu cuối cùng của sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Mỗi địa phương khi thực hiện sắp xếp đều ban hành đề án riêng, rất công phu, đánh giá tác động nhiều chiều, thực tế, cùng quyết tâm lớn, để thực sự tạo ra những cú hích tiếp theo, tránh tình trạng sáp nhập nặng về tính cơ học, sau quyết tâm, giải pháp đã có cần phải có sự quyết liệt vào cuộc đồng bộ và thực chất.

 

TS Nguyễn Tiễn Dĩnh (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ): Sắp xếp các ĐVHC cấp xã, huyện, trong bối cảnh hiện nay, chủ trương này rất phù hợp để tinh gọn bộ máy, giảm số lượng đội ngũ cán bộ công chức nhằm giảm tải gánh nặng ngân sách, để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khó nhất vẫn là công tác cán bộ, phải có chính sách đối với cán bộ dôi dư, đồng thời phải bố trí số cán bộ còn lại cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu hiện tại. Nếu sắp xếp không đúng người, không đúng vị trí sẽ không đáp ứng được mục tiêu, việc này phải làm kiên quyết.

PGS.TS Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội): Quá trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cần tuân theo quy trình đề án, kế hoạch, lộ trình cụ thể. Để đảm bảo cho cán bộ “chuyển dịch” sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, ngoài giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư, đối với những cán bộ được “giữ lại” phải sắp xếp vào những vị trí làm việc để họ phát huy năng lực sở trường của mình cũng như đảm bảo các vấn đề đời sống cho họ.