Sát hạch để “vì việc tìm người”
Kinhtedothi - Tại Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch công chức nhằm bố trí người lao động vào các vị trí việc làm phù hợp với năng lực và trình độ. Đề xuất này thể hiện một bước tiến lớn trong tư duy quản lý hành chính và nếu các giải pháp sát hạch được thực hiện hiệu quả, phù hợp, bảo đảm thực chất, sẽ góp phần khắc phục được sự trì trệ trong giải quyết công việc của một bộ phận.
Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, trì trệ; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang cơ quan khác… là những vấn đề đang được các cấp, ngành, đơn vị tập trung thực hiện trong thời gian qua. Trong các văn bản pháp luật, cũng có những quy định về đánh giá cán bộ, công chức, đi kèm với đó là cơ chế để đào thải những người không đáp ứng yêu cầu công việc. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, cơ chế đào thải này hiện tại được đánh giá là chưa đủ mạnh, bởi việc đánh giá còn nể nang, cảm tính nên nhiều quy định chưa đem lại hiệu quả, chưa loại bỏ được những trường hợp năng lực yếu kém qua đánh giá bởi “hằng năm hầu như không có ai xếp loại yếu kém”. Do đó, đội ngũ công chức vẫn còn tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu", “sáng cắp ô đi, tối cắp về", "né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc, thiếu sáng tạo", nhiều người không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn “an toàn” ở vị trí công tác. Điều đó khiến bộ máy yếu kém, nảy sinh tiêu cực - một trong những nguyên nhân dẫn đến đội ngũ cán bộ, công chức dù đông nhưng không mạnh.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay được yêu cầu thực hiện song hành với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, không để cơ quan Nhà nước là “vùng trú an toàn” cho cán bộ yếu kém. Vì vậy, việc Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch công chức nhằm bố trí vị trí việc làm phù hợp với năng lực và trình độ đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Mục tiêu là đánh giá toàn diện phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức. Đó là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, sàng lọc và thực hiện các chính sách đối với công chức, tuân theo nguyên tắc "có vào có ra, có lên có xuống".
Có thể nói, những quy định này là cần thiết, được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng làm việc theo tư duy cầm chừng, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu công việc và những bất cập hiện nay, để bảo đảm xây dựng đội ngũ tinh thông, chất lượng. Tuy nhiên, công tác sát hạch không nên chỉ dựa vào các bài kiểm tra kiến thức, lý thuyết mà cần kết hợp nhiều hình thức khác nhau với tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch để bảo đảm rằng những người có năng lực thực sự được ghi nhận, để công tác đánh giá được thực chất và ý nghĩa hơn. Đồng thời, thay đổi tư duy trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị công vụ, "vì việc tìm người", tức từ cơ sở công việc đề ra sẽ xác định rõ năng lực, hiệu quả của từng người, qua đó đánh giá cán bộ, công chức nào làm được việc, không làm được việc. Từ đó, phát huy hiệu quả một giải pháp quan trọng trong nâng cao chất lượng đội ngũ và chính sách “thi đua, cạnh tranh có đào thải” sẽ thanh lọc những cá nhân không đủ năng lực, ý thức trách nhiệm kém, vừa nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, vừa tối ưu hóa bộ máy.

Đề xuất thêm giải pháp sàng lọc công chức không hoàn thành nhiệm vụ
Kinhtedothi-Công chức có 2 năm liên tiếp được xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc - đó là một nội dung đáng chú ý trong đề xuất của Bộ Nội vụ bổ sung quy định về đánh giá công chức.

Tuyên Quang có 170 cán bộ, công chức xin nghỉ theo Nghị định 177, 178
Kinhtedothi- 170 cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ việc để phục vụ công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Đề xuất chi 15.000 tỷ đồng giải quyết chính sách cho công chức xã không đạt tiêu chuẩn
Theo Bộ Nội vụ, số lượng cán bộ, công chức cấp xã không đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ ít và sẽ được giải quyết chính sách bảo đảm lợi ích chính đáng theo quy định của Chính phủ.