Trong khi một số quốc gia yêu cầu người dự thi sát hạch phải hoàn thành những đòi hỏi khắt khe trong cả phần thực hành hay lý thuyết, luôn đưa ra những câu hỏi mang tính thách thức; một số lại yêu cầu người muốn có bằng lái phải có kinh nghiệm thực tế và hoàn thành những khóa học theo tiêu chuẩn riêng.
Những khóa học nghiêm ngặt
Tại Croatia, muốn thi được bằng lái xe yêu cầu người học phải bảo đảm học tập nghiêm túc trong các khóa học kéo dài 85 giờ để có đủ khả năng ứng phó với những bài kiểm tra đầy thách thức. Nước này cũng yêu cầu người dân kiểm tra sức khỏe, xuất trình giấy phép y tế và mức phí khoảng 27 triệu đồng để tham gia bài kiểm tra và lấy giấy phép.
Tương tự, Brazil cũng bắt buộc người tham gia sát hạch phải hoàn thành đủ lộ trình học nghiêm ngặt, với 60 giờ học gồm 45 giờ lý thuyết và 15 giờ thực hành trên đường. Không những vậy, nhằm bảo đảm sự an toàn cho người dự thi, người nộp đơn ở quốc gia Nam Mỹ này đáp ứng đủ yêu cầu của các cuộc kiểm tra y tế nghiêm ngặt, chẳng hạn như kiểm tra tâm lý trước khi lái xe.
Xếp thứ ba về độ khó trong các khóa học là Hungary, với việc quốc gia châu Âu này yêu cầu thí sinh phải hoàn thành một loạt các bài kiểm tra về mắt và y tế trước khi thực hiện khóa học dài 58 giờ và thực hiện kỳ thi lấy bằng. Tuy nhiên, người hoàn thành khóa học sẽ được lấy bằng sớm hơn một năm so với nhiều quốc gia khác.
Yêu cầu kinh nghiệm thực tế
Ngoài các khóa học, các quốc gia còn yêu cầu người tham gia sát hạch phải hoàn thành đủ số giờ lái xe thực tế trước khi dự thi sát hạch.
Dữ liệu từ một cuộc điều tra của Gulf Oil International cho thấy, Australia là quốc gia dẫn đầu trong việc đưa ra yêu cầu về số lượng thời gian thực tế mà người học lái phải đáp ứng, với 120 giờ học lái xe thực tế.
Xếp thứ hai và thứ ba là Croatia và Nga, với việc người chuẩn bị tham gia sát hạch phải bảo đảm lần lượt 100 và 50 giờ học lái xe thực tế. Đây là yêu cầu cần thiết để giúp thí sinh có đủ năng lực ứng phó với những tình huống khó khăn nhất trong phần thi thực hành như vượt chướng ngại vật hay lái xe thực tế.
Ngoài những quốc gia luôn yêu cầu những khóa học khắc nghiệt nhất, với những khoản chi phí đắt đỏ, một số khác lại “khoản đãi” người dự thi bằng những bài học nhẹ nhàng cũng như giá cho khóa học cực kỳ rẻ. Đứng đầu là Pakistan với việc thí sinh tham gia kỳ thi sát hạch chỉ phải bỏ ra 0,89 bảng Anh cho cả quá trình học và thi cũng như mức độ bài kiểm tra là vô cùng dễ.
Những yếu tố trên giúp quốc gia Nam Á này là một trong những nước có tỷ lệ thí sinh vượt qua các kỳ sát hạch đứng đầu thế giới. Ấn Độ cũng tương tự khi chi phí tham gia dự thi sát hạch mà thí sinh phải bỏ ra là 1 bảng Anh, kèm theo đó là quá trình học tương đối nhẹ nhàng và mức độ kiểm tra cũng như vậy.
Ngoài ra, để đánh giá thêm năng lực của người vượt qua các kỳ thi sát hạch, Đức yêu cầu các thí sinh phải trải qua hai năm thử thách sau khi lấy bằng lái xe. Trong quãng thời gian này, họ sẽ phải tham các buổi tuyên truyền giao thông hoặc thậm chí bị tước bằng lái nếu gây ra tai nạn nghiêm trọng.
Tương tự, Trung Quốc cũng buộc các tài xế mới được cấp bằng lái phải trải qua kỳ thực tập lái kéo dài 12 tháng để có thể trở thành tài xế chính thức. Nếu trong quá trình thực tập này, tài xế gây ra tai nạn và bị phạt thì sẽ bị tước giấy phép lái xe và phải đăng ký cấp giấy phép lái xe lần nữa. Không chỉ gây khó trong các phần thi lý thuyết, Nhật Bản cũng buộc thí sinh phải duy trì tốc độ trong khoảng 30,6 km/h hoặc thấp hơn trong suốt bài thi thực hành. Thí sinh sẽ ngay lập tức nếu lái xe trên vỉa ba-toa hay không dừng xe trước các đèn tín hiệu hoặc điểm giao nhau.
Muôn kiểu ra đề thi “khó nhằn”
Một số quốc gia thường xuyên làm khó người dự thi sát hạch thông qua những bài thi mang đậm tính lý thuyết, yêu cầu họ phải ghi nhớ đầy đủ những câu hỏi đã ôn tập. Trong đó, Trung Quốc nổi lên là một trong những quốc gia có phần thi lý thuyết sát hạch lái xe toàn diện và độ khó bậc nhất thế giới. Thông thường, những bài thi lý thuyết lái xe của quốc gia chứa tổng cộng 100 câu hỏi từ một ngân hàng đề thi hơn 1.000 câu hỏi. Để tăng thêm độ khó cho phần thi, người dự thi phải đúng ít nhất 90 câu, đạt tỷ lệ 90%.
Tại Anh bắt buộc thí sinh phải trải qua đồng thời một loạt những phần thi khó như: bài thi lý thuyết về lái xe, các câu hỏi trắc nghiệm về giao thông và đánh giá rủi ro trên đường, bài kiểm tra lái xe thực tế. Không những vậy, nhằm bảo đảm người lái xe có thể ứng phó được các tình huống trong thực tế cũng như thích nghi với thời đại công nghệ - kỹ thuật số, nước này còn bổ sung bài thi lùi xe ra khỏi chỗ đỗ dọc hay kỹ năng sử dụng bản đồ phục dựng.
Nhật Bản buộc người tham gia sát hạch phải hoàn thành một bài kiểm tra lý thuyết gồm 50 câu hỏi để lấy được giấy phép học lái, sau đó mới tiến đến bài thi sát hạch chính thức gồm 100 câu hỏi lý thuyết.
Hungary cũng là một quốc gia đưa ra những bài thi vô cùng “khó nhằn” với việc yêu cầu người dự thi phải bảo đảm mức độ xử lý câu hỏi cực kỳ nhanh và chính xác. Mặc dù tỷ lệ đỗ phần thi lý thuyết chỉ là 70%, thế nhưng quốc gia Trung Âu này buộc thí sinh phải trả lời câu hỏi trong vòng 60 giây với những câu hỏi ở mức độ khó.
Đức cũng là một trong những quốc gia nổi tiếng với những kỳ thi lái xe hóc búa với lý thuyết gồm 30 câu hỏi với mức yêu cầu 90/100 điểm để vượt. Riêng phần thi thực hành kéo dài 40 - 45 phút trên nhiều loại đường ngoài thực tế. Nghĩa là học viên phải thực hiện đúng thao tác và xử lý tình huống như lái xe hằng ngày. Có rất nhiều lỗi sai mặc dù nhỏ cũng có thể khiến bạn bị trượt như quên xi nhan, không nhường đường cho phương tiện bên phải. Việc phải thi lại một vài lần là hoàn toàn bình thường ở Đức.