Sau 5 năm phán quyết PCA: Trung Quốc vẫn lờ các quy định quốc tế về Biển Đông

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 năm trước, vào ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay đã công bố phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông, theo đó bác bỏ yêu sách mang tên Đường Chín Đoạn của Trung Quốc. Khu vực này bao gồm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phán quyết PCA 2016 thực sự đã giáng một đòn pháp lý lớn đối với tính hợp pháp của Trung Quốc trong các yêu sách lãnh thổ trước cộng đồng quốc tế, bất kể việc nước này không công nhận, không tuân thủ và ngày càng có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Giá trị về cục diện pháp lý còn mãi của phán quyết PCA

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, GS Carl Thayer - chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Australia lưu ý, kể từ khi ban hành phán quyết, tình hình Biển Đông tiếp tục chứng kiến ​​những diễn biến căng thẳng với việc Trung Quốc liên tục vi phạm luật pháp quốc tế, khiến nhiều nước lên tiếng phản đối.

Đoàn đại biểu Philippines dự phiên điều trần trước PCA vào tháng 7/2015. Ảnh: AP
Trong khi đó, các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc vẫn chưa kết thúc. Theo học giả Australia, cộng đồng quốc tế cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời phản đối mạnh mẽ các hành vi vi phạm UNCLOS cũng như việc từ chối tuân thủ phán quyết của PCA.
Vào cuối năm 2019 và năm 2020, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia đều đã đệ trình công hàm lên Ủy ban Liên Hợp quốc, theo đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Đồng thời, Mỹ, Australia cùng với Pháp, Đức và Vương quốc Anh cũng đệ trình các công hàm tương tự nhằm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc với vùng biển này. 
3 cường quốc châu Âu cũng đệ trình một công hàm lên Liên Hợp quốc gần đây ca ngợi phán quyết trọng tài năm 2016, theo đó khẳng định “các tuyên bố chủ quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền lịch sử (của Trung Quốc) đối với các vùng biển ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.
Nhà nghiên cứu - nhà báo Veeramalla Anjaiah, tác giả cuốn sách “Azerbaijan Seen from Indonesia” nhận định, dù PCA không phải là cơ quan của Liên Hợp quốc, nhưng ủy ban trọng tài được thành lập theo UNCLOS. Là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của PCA và tuân theo tất cả các quy tắc hàng hải được đề cập trong UNCLOS.
Còn theo Tetsuo Katoni - một học giả Nhật Bản, trong một bài báo trên trang Maritime Issues đã khẳng định, Trung Quốc không được phép “không chấp nhận” phán quyết PCA. “Phán quyết Trọng tài không phải là phán quyết của PCA mà là của UNCLOS. Trung Quốc có quyền không tham gia tố tụng. Ngay cả khi không có sự tham gia của Trung Quốc, Tòa vẫn xem xét lập trường và các tuyên bố của Trung Quốc, đồng thời đảm bảo rằng các yêu sách của Philippines đều có cơ sở trên thực tế và luật pháp. Mặt khác, Trung Quốc có nghĩa vụ chấp nhận phán quyết cuối cùng và ràng buộc. Theo UNCLOS, việc Trung Quốc không tham gia tố tụng là được phép, nhưng không chấp nhận thì không”, học giả Nhật Bản nhấn mạnh.
Tiếp tục hành động và lên tiếng mạnh mẽ
Theo cộng đồng quốc tế cũng như giới phân tích, Trung Quốc với vai trò là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, cần phải tuân thủ luật pháp và tỏ rõ trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trong đó có tuân thủ phán quyết của PCA và luật pháp hàng hải quốc tế.
Nhà nghiên cứu Veeramalla Anjaiah dẫn ví dụ về một vụ việc tương tự khác. Năm 2018, Ấn Độ đã thua trong một vụ kiện của tòa trọng tài tương tự trước nước láng giềng Bangladesh. Ấn Độ đã chấp nhận tuân thủ phán quyết. Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, đang yêu cầu Trung Quốc noi gương Ấn Độ.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, GS Carl Thayer cũng nêu ra 3 khả năng để các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là ASEAN dựa vào đó thể tăng cường thực thi pháp luật trên Biển Đông, trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Thứ nhất, các tranh chấp về chủ quyền và phân định biển có thể được giải quyết nếu cả hai bên tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình “bằng thương lượng, điều tra, hòa giải, hòa giải, trọng tài, giải quyết bằng tư pháp, nhờ đến các cơ quan hoặc dàn xếp khu vực, hoặc các phương thức hòa bình khác do chính họ lựa chọn”. Mấu chốt ở đây là cả hai bên phải đồng ý giải quyết bằng trọng tài và tư pháp và đồng ý tuân thủ kết quả.
Thứ hai, các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS có thể được nêu ra theo UNCLOS thông qua 4 cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc. Nếu các bên tranh chấp không đồng ý về cơ chế, một Tòa Trọng tài sẽ được mặc định. Nhưng UNCLOS không có cơ chế thực thi và dựa vào thiện chí của các bên. Trung Quốc không chắc sẽ tham gia.
Thứ ba, một quốc gia có thể tìm cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc theo luật pháp quốc tế như một cách tiếp cận về chính trị để gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân theo. Ví dụ, các quốc gia ASEAN có thể kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, bao gồm các cường quốc hàng hải lớn. Các quốc gia ASEAN có thể liên tục nêu lên các tranh chấp của họ với Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế đa phương, bao gồm cả Đại hội đồng Liên Hợp quốc. “Phương thức này có thể đe dọa uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế, nhưng đồng thời cũng có khả năng dẫn đến hành động trả đũa”, GS Carl Thayer lưu ý.