Theo Sở GTVT, kết quả phiếu cân từ ba trạm cân thí điểm, gồm trạm cầu Ông Lớn (quận 7), trạm thu phí An Sương - An Lạc (hướng đi về An Lạc), trạm thu phí An Sương - An Lạc (hướng đi về An Sương) cho kết quả số vụ vi phạm tải trọng giảm gần 93% (từ 61.302 xuống còn 4.347 trường hợp) so với cùng kỳ khi chưa triển khai.
Vì vậy, Sở GTVT đánh giá, việc triển khai thí điểm phạt nguội xe quá tải phù hợp với quyết tâm chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết 98 mà thành phố đề ra. Qua đó, nâng cao ý thức của lái xe và chủ xe, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Cùng với đó, hệ thống cân tự động góp phần loại bỏ yếu tố can thiệp của con người, giảm khả năng gian lận, tiêu cực trong việc xử lý vi phạm tải trọng xe.
Tuy nhiên, Sở GTVT cũng cho biết, các đơn vị thực hiện phạt nguội quá tải còn gặp khó khăn vì chủ xe không đồng ý kết quả phiếu cân, khi nhiều trường hợp xe vi phạm cần xác minh ở các tỉnh, thành khác nên rất mất thời gian, công sức.
Cùng với đó, một số dữ liệu trên hệ thống đăng kiểm chưa cập nhật kịp, dẫn đến hệ thống cân xác định tỷ lệ vi phạm quá tải không chính xác. Trang thông tin của Cục Đăng kiểm Việt Nam có trường hợp không đầy đủ thông tin nên thông báo gửi đi không đến được với chủ xe.
Bên cạnh đó, một số trường hợp lái xe cố tình làm sai kết quả cân bằng cách đi lấn dải phân cách, né trạm đi vào đường hỗn hợp, đường nhánh...
Trước thực trạng này, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT xem xét, liên kết dữ liệu đăng kiểm với đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, chỉ đạo xây dựng phần mềm quản lý, chia sẻ dữ liệu cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ cho các sở phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có).
Cùng với đó, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, cho phép gia hạn thời gian triển khai xử phạt theo quy trình thí điểm phạt nguội quá tải đến hết ngày 31/12.