Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau khi tốt nghiệp, trường hợp nào sinh viên sư phạm phải hoàn trả học phí?

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh viên (SV) được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ.

Ngày 4/7, Luật Giáo dục 2019 được công bố với 9 chương, 115 điều, Luật Giáo dục năm 2019 thay thế cho Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.
Lý do sinh viên sư phạm phải hoàn trả học phí sau 2 năm ra trường? (Ảnh: Zing)
Luật Giáo dục năm 2019 quy định cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp ra trường nếu không làm đúng ngành giáo dục sẽ phải hoàn trả lại khoản học phí đã được nhà nước hỗ trợ trước đó.
So với quy định Luật Giáo dục, hiện hành Luật Giáo dục có điểm mới về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, SV sư phạm.
Cụ thể, bộ luật này quy định học sinh, SV sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, SV sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí.
Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục hiện hành.
Bên cạnh thay đổi chính sách tài chính dành cho SV sư phạm, Luật này còn có những thay đổi khác liên quan tới giáo viên. Cụ thể là quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và giảng viên đại học.
Theo đó, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên THCS từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.