Kinhtedothi - Nhận xét học sinh (HS) mang tính hình thức; giáo viên chỉ quan tâm đến kết quả cuối kỳ, cuối năm khiến chất lượng học tập của HS giảm sút… là những bất cập được các chuyên gia giáo dục chỉ ra tại hội thảo “Đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Thông tư 30” do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tổ chức sáng 20/5. Thực hiện đối phó Theo khảo sát của Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam về thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (TT30) về đánh giá HS tiểu học ở một số tỉnh, TP có 95,2% giáo viên được hỏi đều khẳng định: Đánh giá HS theo TT30, giáo viên vất vả hơn nhiều so với trước đây. Riêng giáo viên dạy các môn nhạc, họa, mỹ thuật… mất nhiều thời gian hơn cả vì dạy nhiều lớp, phải nhận xét vài trăm HS. Ví dụ, ở Trường Tiểu học thị trấn Thanh Miện (Hải Dương), một giáo viên dạy mỹ thuật cho 23 lớp phải nhận xét cho 789 HS và 23 cuốn sổ theo dõi chất lượng. Đây cũng là tình trạng chung ở hầu hết các trường tiểu học.
Ông Vũ Trọng Rỹ - Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết: “Ghi nhận xét cho trúng khó hơn rất nhiều so với cho điểm số. Chính vì khó khăn đó mà một số giáo viên tìm cách đối phó bằng cách đưa ra các loại ký hiệu thay cho điểm số như: bông hoa, ngôi sao, mặt cười - mếu… Nhiều giáo viên chỉ có lời nhận xét chung chung áp dụng cho nhiều HS, như: “Em học tốt”, “Em cần cố gắng”… mà không chỉ ra được tốt ở chỗ nào, cần cố gắng ở chỗ nào”. Theo khảo sát của Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam với giáo viên và HS ở 30 trường tiểu học của 3 tỉnh, TP, giáo viên không quan tâm đến ý nghĩa của TT30. Thậm chí, giáo viên bức xúc, phản ứng vì thực hiện TT30 vất vả, đánh giá theo TT30 lại không làm cho HS chăm học, cũng như không làm cho cha mẹ HS quan tâm hơn đến việc học tập của con cái. Giáo viên cũng không tích cực đổi mới phương pháp dạy học… dẫn đến tình trạng làm đối phó. Chỉnh sửa phù hợp với thực tế Trước phản ứng của giáo viên, các nhà khoa học, quản lý giáo dục đều cho rằng, thực hiện TT30 phải có lộ trình, có tính liên thông, định hướng rõ ràng, phù hợp với thực tế. Như ông Rỹ bày tỏ, TT30 “đánh giá vì sự tiến bộ của HS” thể hiện chủ trương đổi mới đánh giá HS có ý nghĩa nhân văn, phù hợp với xu thế giáo dục thế giới. Tuy nhiên, một số quy định trong TT30 chưa phù hợp với thực tế Việt Nam nên thiếu tính khả thi, gây quá tải cho giáo viên. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu nghiêm túc việc thực hiện TT30, với mẫu khảo sát đủ lớn để có được đánh giá khách quan; Việc đánh giá thực trạng TT30 không nên chỉ dựa vào báo cáo của các phòng, sở GD&ĐT” – ông Rỹ kiến nghị. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kế Hào – nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho rằng, TT30 chưa có định hướng rõ ràng. “TT30 thiếu định lượng (điểm số). Định tính (nhận xét) và định lượng phải gắn với nhau, chỉ định lượng, không có định tính không ổn. Một bài kiểm tra học kỳ không đủ để định lượng, điểm cao cũng ngoan, điểm kém cũng ngoan... Đề nghị thay đổi, chỉnh sửa TT30” – ông Hào đề xuất. Với cương vị chỉ đạo trực tiếp ở cấp tiểu học, bà Lê Đoan Trang - Phó Hiệu trưởng trường Thực nghiệm ủng hộ TT30, song khẳng định phải tạo môi trường sư phạm, xây dựng cách ứng xử cho giáo viên. “Tôi ủng hộ cái mới, tuy nhiên, muốn thay đổi phải từ từ, từng bước, từ cơ sở vật chất, giáo viên cho đến giảng dạy...” – bà Trang nhấn mạnh. Trước những hạn chế, bất ổn khi thực hiện TT30, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã tiếp thu ý kiến và khẳng định, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình chỉnh sửa TT30. “Nếu không bắt tay vào làm không thể biết khó khăn ở đâu. Khi bắt tay vào thực hiện, khó đến đâu tháo gỡ và chỉnh sửa đến đó. Bộ nghiêm túc lắng nghe, rút kinh nghiệm để tới đây có chỉnh sửa hợp lý” – ông Nguyễn Vinh Hiển nói.
Học sinh khối 12 trường THPT Kim Liên trong giờ học Ngữ văn. Ảnh: Công Hùng |