Thấp thỏm chờ việc
Khoảng 4 tháng trước, chị Nga (40 tuổi, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) nhận được tin mình thuộc diện phải cắt giảm giờ làm do công ty bị giảm đơn hàng. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chị lại được thông báo nghỉ làm và... chờ đến khi có việc công ty sẽ gọi. Chờ đợi gần 3 tháng nhưng chị vẫn chưa được đi làm trở lại, trong khi cả gia đình chỉ biết trông chờ vào đồng lương công nhân của 2 vợ chồng để trang trải chi phí sinh hoạt.
Trước đây, chị Nga làm công nhân Nhà máy xi măng Nam Sơn (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) được 10 năm và tham gia đóng bảo hiểm xã hội được 9 năm. Khoảng 3 năm gần đây, chị chuyển về nhà máy ốp lát bê tông trên địa bàn huyện Chương Mỹ và cũng mới được đóng nối bảo hiểm xã hội. Thấy công việc không quá vất vả, thu nhập ổn định, chưa vui mừng được bao lâu chị Nga phải tạm nghỉ làm để do công ty ít việc.
"Dù Nga được nhận bảo hiểm thất nghiệp nhưng quả thực không thấm vào đâu so với khi đi làm. Cả nhà 4 miệng ăn giờ chỉ sống bằng thu nhập từ lương công nhân của chồng, trong khi 2 đứa con đều đang đi học, cần nhiều chi phí. Tôi chỉ biết động viên cháu tạm tìm việc khác để làm đến khi công ty gọi đi làm lại" - bà Ninh, mẹ chị Nga buồn rầu nói.
Câu chuyện của chị Nga không phải hiếm, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, trên cả nước có hàng nghìn DN phải cắt giảm giờ làm của người lao động do bị cắt giảm đơn hàng. Theo thống kê của LĐLĐ các tỉnh, TP, Công đoàn ngành T.Ư, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 DN (tại 50 tỉnh, TP) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.
Trong đó giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người (chiếm 89,82); tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người (chiếm 1,28%); chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người (chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng). Đáng chú ý, trong tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm, giảm giờ làm... có trên 30.000 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và hơn 9.400 người đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới một tuổi.
Đối với những lao động bị giảm giờ làm, tạm dừng hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, mặc dù công đoàn các cấp đều thực hiện hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhưng đối với họ số hỗ trợ này chỉ giải quyết được nhu cầu tạm thời và đều mong muốn có một công việc với thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống.
Nhiều trọng trách đè nặng lên vai
So với chị Nga thì chị Lê Thị Phương Thảo - công nhân Công ty TNHH Co-Well châu Á thuận lợi hơn khi công ty vẫn có việc làm đều đặn. Tuy nhiên, chị Thảo lại kém may mắn khi một trong số hai con nhỏ được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau phải nhập viện.
Với mức thu nhập khiêm tốn của 2 vợ chồng, cố gắng cũng chỉ đủ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống hàng ngày. "Tháng nào con khỏe mạnh còn dễ thở, lúc trái gió trở trời, con đi bệnh viện triền miên, vợ chồng tôi mệt mỏi vì đủ khoản chi tiêu phát sinh"- chị chia sẻ.
Mặc dù là giáo viên mầm non, công việc có vẻ nhàn hạ hơn công nhân nhưng chị Đồng Thị Hồng Chuyên Trường - nhân viên Trường Mẫu giáo Chim Non (quận Ba Đình) rơi vào hoàn cảnh khó khăn không kém khi bản thân bị bệnh tiểu đường, phải phẫu thuật cắt u xơ tử cung. Đồng thời bản thân chị sức khoẻ yếu, hay ốm đau, đang phải điều trị bệnh viêm thanh quản, tim mạch.
Tất cả mọi chi phí sinh hoạt, chữa bệnh cho chị cũng như chi phí chăm sóc mẹ chồng 85 tuổi và chữa bệnh cho em chồng đều trông cậy vào đồng lương ít ỏi 3,5 triệu mỗi tháng của chị (chồng chị làm tự do, công việc không ổn định). Cuộc sống của chị vì thế mà nhiều vất vả, khó khăn...
Trong thời gian qua, LĐLĐ TP đã có nhiều sự động viên và chia sẻ với khó khăn của các nữ đoàn viên Công đoàn, người lao động. Nhiều suất quà đã được trao gửi tới các trường hợp khó khăn nhằm hỗ trợ các lao động nữ bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn cần các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa, đặc biệt trong chính sách tiền lương, việc làm, để các lao động nữ khó khăn có cuộc sống ổn định hơn.
Nhằm quan tâm đến nữ đoàn viên Công đoàn, nữ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, trong dịp Quốc tế phụ nữ 8/3 vừa qua, LĐLĐ TP Hà Nội đã trợ cấp cho gần 1.800 nữ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn do mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, chất độc màu da cam… với số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Đồng thời, vận động ủng hộ, trao tặng áo dài cho nữ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Tặng áo dài - Trao yêu thương - Giữ gìn nét đẹp truyền thống”.
Đến nay đã quyên góp được hàng nghìn bộ áo dài và sẽ được trao tặng cho nữ công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn vào dịp “Tháng Công nhân” năm 2023.
Công đoàn các cấp trên địa bàn Hà Nội luôn quan tâm chăm lo đời sống cho nữ đoàn viên Công đoàn, nữ công nhân thông qua hoạt động khám sức khỏe định kỳ. Trong năm 2022 có trên 328.000 lao động nữ được khám sức khỏe định kỳ; hơn 300.000 nữ được khám chuyên khoa phụ sản; có hơn 3.400 DN đưa được quy định phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào trong nội quy lao động; trên 6.800 lao động nữ được tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai, được giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày; khoảng 6.000 lao động nữ được nghỉ khám thai nhiều hơn quy định.