Sẽ thay đổi chính sách tiền lương người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong quý II năm 2022, Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi các quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết nêu rõ, trong các năm qua, DN nhà nước đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 và những biến động trong khu vực và quốc tế, DNNN đã tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi các quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Thanh Hải.
Chính phủ giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi các quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Thanh Hải.

Tuy nhiên, khu vực DNNN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong huy động nguồn lực. Cụ thể, hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, vẫn còn DN, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ kéo dài. Các DNNN chưa liên kết chặt chẽ với nhau, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tư nhân, trong đó có các DN nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Những hạn chế, yếu kém của DNNN có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về DNNN còn bất cập; chưa kịp thời thay đổi cơ chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản hành chính, khuyến khích DN chủ động đầu tư mở rộng kinh doanh, đổi mới, sáng tạo.

Các DN nhà nước cũng chưa nỗ lực nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường, chưa tham gia sâu, rộng hội nhập kinh tế quốc tế, chưa tạo được giá trị gia tăng cao.

Thực hiện chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường

Chính phủ đặt ra mục tiêu hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN. Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh, việc chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Các DNNN nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại DN…

Để thực hiện các mục tiêu, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đề ra 5 giải pháp, trong đó: Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với người giữ chức danh, chức vụ, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, bảo đảm phù hợp với kết quả, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của DN.

Cùng với đó là, đề ra giải pháp đổi mới công tác quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại DN để tuyển dụng hoặc thuê nhân lực chất lượng cao; thực hiện cử thành viên Hội đồng thành viên độc lập tham gia quản lý, điều hành. Và, nghiên cứu cơ chế, chính sách tuyển chọn lãnh đạo quản lý, đẩy mạnh tuyển dụng thông qua thi tuyển công khai, minh bạch.

Chính phủ giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi các quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong DNNN theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN (sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, Nghị định số 52/2016/NĐ-CP, Nghị định số 53/2016/NĐ-CP của Chính phủ) trong quý II năm 2022.