Do đó việc yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội được xem là hành động cần thiết nhằm tạo sự trong sạch, minh bạch cho không gian mạng.
Nhức nhối trên môi trường mạng
Chị Nguyễn Bích Hà, chủ một cửa hàng điện máy trên phố Cầu Giấy (Hà Nội) từng là nạn nhân của một vụ lừa đảo qua mạng kể lại, cách đây nửa tháng, một người tên Nga liên hệ qua ứng dụng nhắn tin quốc tế Viber để mua điều hòa và TV với tổng trị giá trên 50 triệu đồng. Sau khi nhận được ảnh chụp đã thanh toán đủ tiền qua ứng dụng ngân hàng, chị Hà mới yên tâm chuyển hàng. Nhưng chờ đợi đến vài ngày sau không thấy tiền về. Khi làm việc với ngân hàng, chị Hà mới biết mình bị lừa.
Kẻ gian đã “ngắm” vào cửa hàng từ trước, tìm hiểu thông tin và thực hiện chỉnh sửa hình ảnh chuyển tiền từ ứng dụng ngân hàng. Sau đó mua số hàng khớp với số tiền đã chính sửa ở trên để lừa đảo. Được biết, ngay sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, tài khoản Viber của người tên Nga đã tự khóa và chị Hà chỉ còn cách báo cơ quan công an nhưng gần như số tiền bị lừa sẽ không thể lấy lại được.
Sẽ có quy định pháp luật mới về việc quản lý mạng xã hội xuyên biên giới cũng như ứng dụng OTT nước ngoài tương tự với các nền tảng trong nước.
Nếu các ứng dụng, nền tảng này không đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ bị ngăn chặn, xử lý.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm
Ở một vụ việc khác, cũng liên quan tới không gian mạng, mới đây, Công an tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt 7,5 triệu đồng đối với Ngô Hữu Nhân (31 tuổi) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật. Khác với những sự việc tương tự trước đây, Nhân không chỉ nhằm vào một cá nhân cụ thể mà còn xuyên tạc cả cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận.
Theo đó, tại kênh Youtube "Nhân gà Vlog" có 330.000 người theo dõi, Nhân đã đăng tải video có tiêu đề "Vạch trần nhóm người dùng ngải để lừa đảo" với nội dung đề cập đến một nhóm phụ nữ người Chăm sử dụng bùa ngải nhằm chiếm đoạt tài sản, trục lợi. Video sau khi đăng đã thu hút hơn 730.000 lượt xem với hơn 2.800 lượt bình luận nhưng lại gây nhiều bức xúc cho cộng đồng đồng bào Chăm vì thông tin sai sự thật.
Đáng chú ý, khi làm việc với cơ quan công an, Nhân đã thừa nhận nhiều nội dung trong video do mình làm và đăng tải trên kênh YouTube là không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng, tất cả chỉ là sự suy đoán của cá nhân. Mục đích chính để Nhân làm việc này là nhằm tăng người theo dõi cũng như lượt view cho kênh YouTube của mình.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều sự việc phản ánh mặt tối của mạng xã hội cũng như ứng dụng nhắn tin OTT (Zalo, Viber, Messenger…) đang hiển hiện trên không gian mạng. Các hành vi lừa đảo, xúc phạm cá nhân, tổ chức… vẫn diễn ra thường xuyên với chiều hướng gia tăng kéo theo đó là vô số nạn nhân mặc cho cảnh báo liên tục từ cơ quan chức năng. Bên cạnh đó là tràn lan nội dung bẩn, kích dục… nhằm câu view, câu like.
Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ có tình trạng trên là do các mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin OTT có tính năng ẩn danh. Người dùng có thể thoải mái lập những tài khoản ảo này mà không cần cung cấp danh tính chính xác của bản thân. Từ đó tạo cơ sở để thực hiện những hành vi phạm pháp cũng như gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc truy vết.
Do đó, để làm trong sạch môi trường mạng, triệt tiêu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang gây nhức nhối với xã hội thì cần phải có chế tài pháp luật mạnh hơn nữa thông qua việc định danh người dùng mạng xã hội cũng như ứng dụng OTT. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng mau chóng xác định cá nhân vi phạm pháp luật cũng như quyền và lợi ích của nạn nhân sẽ được bảo vệ trong trường hợp xảy ra sự cố.
Sẽ có chế tài về định danh người dùng mạng xã hội
Về việc định danh các tài khoản trên mạng, mới đây, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (8/5), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã cung cấp nhiều thông tin về chế tài này. Chậm nhất là đến cuối năm 2023, sẽ có nghị định mới nhằm yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện định danh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, hiện giữa Bộ TT&TT và Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp cụ thể về việc xác định các tài khoản trên mạng. Cụ thể, khi cơ quan điều tra ở địa phương làm văn bản gửi Bộ TT&TT đề nghị xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các đơn vị sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, để xác thực xem chủ tài khoản đó là ai.
Trong thời gian tới, việc xác định cũng như định danh tài khoản mạng xã hội sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể khi Quốc hội xem xét và cho ý kiến với dự án Luật Viễn thông sửa đổi. Dự luật này sẽ quy định việc quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài tương tự nền tảng trong nước. Theo đó, nếu các ứng dụng không đáp ứng yêu cầu sẽ bị chặn nhằm ngăn việc sử dụng các ứng dụng này để lập hội nhóm lừa đảo, không truy vết được.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Bộ TT&TT đang trong quá trình hoàn thiện Nghị định mới nhằm thay thế các Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ được ban hành cuối năm 2023 với thay đổi quan trọng. Theo đó, tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức sẽ phải thực hiện định danh. Việc này sẽ áp dụng cho cả mạng xã hội là Facebook, Youtube, Tiktok... Các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.
Thời điểm này, Bộ TT&TT hoàn toàn có thể thực hiện việc ngăn chặn và xóa bỏ các tài khoản mạng xã hội vi phạm. Nhưng điều này có thể làm mất đi dấu vết, chứng cứ, gây khó khăn cho việc củng cố chứng cứ, đấu tranh của các lực lượng khác. Do đó việc định danh tài khoản mạng xã hội sẽ cần thiết hơn, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.
Nói về lợi ích của việc định danh người dùng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thông qua việc xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số điện thoại đã góp phần làm chuyển biến rõ rệt tình hình đấu tranh với các đối tượng lợi dụng công nghệ để phạm tội trên không gian mạng.
“Sắp tới, Bộ Công an sẽ làm việc với ngân hàng tiến hành xác thực tài khoản thanh toán. Như vậy, chúng ta sẽ tiếp cận và hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức sim điện thoại hay thanh toán tài khoản, thanh toán tiền” - ông Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Việc định danh người dùng, đặc biệt là với số điện thoại sẽ giúp hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng. Đợt xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số điện thoại vừa qua đã giúp loại bỏ 1,2 triệu thuê bao không chính chủ, trong đó tiềm ẩn nguy cơ tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc