Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sĩ tử lớp 12 và những cuộc đầu tư lớn cho chứng chỉ ngoại ngữ

Gia Thịnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm kết thúc năm học cũng là lúc các sĩ tử lớp 12 gấp rút hoàn thiện các chứng chỉ ngoại ngữ nhằm tìm kiếm những cơ hội cộng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và vào trường đại học tốt nhất.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ sẽ được tính 10 điểm môn này trong xét công nhận tốt nghiệp THPT nếu có chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị sử dụng đến ngày làm thủ tục dự thi (26/6). Đây chỉ là một trong những lợi ích các thí sinh nhận được khi sở hữu trong tay các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Tấm vé thông hành, mở ra nhiều cơ hội lớn

Tính đến cuối tháng 5/2024, đã có khoảng 70 trường đại học công bố sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó nổi bật là IELTS, để xét tuyển thí sinh đầu vào, với tối đa 15% chỉ tiêu.

Với nhiều sĩ tử, chứng chỉ ngoại ngữ là tấm “vé thông hành” vào các trường đại học, mở ra nhiều điều kiện để việc xét tuyển đại học trở nên dễ dàng hơn.

Mong muốn sử dụng điểm IELTS để xét tuyển đại học, Phan Ngọc Mỹ Duyên (trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai) cho biết bắt đầu ôn luyện chứng chỉ này từ tháng 9/2023 và vừa đạt được 7.0 IELTS trong kỳ thi tháng 4/2024.  

“Mình lựa chọn thi IELTS chủ yếu để bổ sung vào hồ sơ mình nộp cho các trường đại học quốc tế ở trong nước. Với mình, 7.0 IELTS tuy không phải là số điểm quá cao nhưng là đủ để mình có cơ hội đỗ vào ngôi trường hằng mong ước” - Mỹ Duyên bộc bạch.

Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn là lựa chọn hàng đầu cho những thí sinh muốn xét tuyển đại học. (Ảnh: Shutterstock)
Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn là lựa chọn hàng đầu cho những thí sinh muốn xét tuyển đại học. (Ảnh: Shutterstock)

Cùng chung mục tiêu, Nguyễn Phương Linh (trường THPT Việt Đức, Hà Nội) bày tỏ: “Nguyện vọng 1 của mình là ngành Ngôn ngữ Nhật của trường Đại học Hà Nội, nên đầu năm nay mình có đăng ký thi JLPT và đã đạt được trình độ N2. Chứng chỉ này giúp mình giảm bớt phần nào áp lực trong việc ôn luyện cho kỳ thi THPTQG 2024”. 

Bên cạnh đó, đối với nhiều học sinh chuẩn bị tốt nghiệp, các chứng chỉ ngoại ngữ còn là bước đệm quan trọng trong việc tìm kiếm học bổng du học và nộp hồ sơ vào các trường đại học ở nước ngoài.

Nhìn chung, một trong những điều kiện cần thiết để săn học bổng tại những quốc gia như Mỹ, Úc… là trình độ ngoại ngữ tối thiểu tương đương với 6.5 - 7.0 IELTS. Có thể nói, đây không phải là một số điều kiện quá xa vời đối với nhiều học sinh Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Đang sở hữu số điểm ngoại ngữ khá ấn tượng là 8.0 IELTS và 1460 SAT, Đặng Phú Vĩnh Khang (lớp 12CA1, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh) tâm sự: “Mình dành nhiều thời gian và sự quyết tâm cho các chứng chỉ ngoại ngữ, cụ thể là IELTS và SAT, vì mình muốn cải thiện hồ sơ để xét tuyển học bổng tại một số trường đại học quốc tế”.

Vĩnh Khang cho hay bản thân vốn là một học sinh chuyên Anh nên có nền tảng ngoại ngữ khá vững chắc, do đó nam sinh này không gặp quá nhiều khó khăn trong việc ôn luyện ngoại ngữ để đạt được số điểm như mong đợi.

“Chiến thuật” sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ

Để chứng chỉ ngoại ngữ phát huy tác dụng, thí sinh không chỉ cần quan tâm đến số điểm mình đạt được, mà còn cần xem xét điểm quy đổi chứng chỉ của các trường đại học. Mỗi trường có một mốc điểm quy đổi khác nhau, tìm hiểu trước về chúng giúp thí sinh đưa ra được quyết định về các nguyện vọng một cách sáng suốt.

Chẳng hạn, trường Đại học Kinh tế quốc dân năm nay xét điểm IELTS từ 5.5 trở lên. Thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 được quy đổi thành 8 điểm môn tiếng Anh khi xét đại học, 6.0 quy đổi thành 8,5 điểm. Các mốc điểm IELTS 6.5, 7.0 và 7.5 lần lượt được quy đổi thành 9, 9,5 và 10 điểm.

Điểm quy đổi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Ảnh: Fanpage NEU - Đại học Kinh tế quốc dân)
Điểm quy đổi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Ảnh: Fanpage NEU - Đại học Kinh tế quốc dân)

Hay trường Đại học Ngoại thương năm nay chỉ quy đổi điểm IELTS từ 6.5 trở lên. Khi xét đại học, thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.5 được quy đổi thành 8,5 điểm môn tiếng Anh, 7.0 quy đổi thành 9 điểm, 7.5 tương đương 9,5 điểm, và 8.0 mới được 10 điểm.

Ngoài ra, một vấn đề thường thấy ở nhiều học sinh đặt mục tiêu thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là tình trạng học lệch. Khi tập trung cao độ ôn luyện ngoại ngữ, sẽ rất khó để các học sinh cân bằng thời gian cho các môn học phục vụ kỳ thi tốt nghiệp và xét vào đại học.

Đặt mục tiêu 8.0 IELTS, Tăng Kim Ngọc Anh (lớp 12 Anh, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) chia sẻ: “Trong thời điểm căng thẳng này, việc ôn thi thêm một chứng chỉ ngoại ngữ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thời gian mình dành cho những môn học khác. Chưa kể đến, chi phí cho một lần thi là khá đắt đỏ, thi xong cũng phải đợi một thời gian khá lâu mới biết kết quả. Nếu điểm thấp hơn so với kỳ vọng, mình sẽ phải tiếp tục ôn luyện và thi lại, mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc”.

Để không rơi vào tình thế lưỡng nan như trên, Ngọc Anh ý thức phải xây dựng một chiến thuật ôn thi hiệu quả: “Để cân bằng giữa chứng chỉ ngoại ngữ và các môn học trên trường, mình đã lập ra một kế hoạch cụ thể, chi tiết. Mỗi ngày, mình đều phân chia các khoảng thời gian dành cho các môn thi tốt nghiệp và cho việc học ngoại ngữ”.

Ngọc Anh cho rằng các sĩ tử nên tìm cách sắp xếp thời gian hợp lý trong giai đoạn nước rút. (Ảnh: NVCC)
Ngọc Anh cho rằng các sĩ tử nên tìm cách sắp xếp thời gian hợp lý trong giai đoạn nước rút. (Ảnh: NVCC)

Đồng thời, nữ sinh này cho rằng cần phải xác định được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, dựa vào đó để đặt ra các mục tiêu về điểm số phù hợp với năng lực của bản thân và có lộ trình ôn tập hiệu quả.

Chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay đã trở thành hành trang quan trọng của các sĩ tử lớp 12 trong việc xét tuyển đại học cũng như các kế hoạch tương lai. Tuy nhiên, không nên vì thế mà “tất tay” cho các chứng chỉ, mỗi học sinh cần tìm ra giải pháp để cân bằng giữa chứng chỉ ngoại ngữ và các môn học khác, nhất là trong giai đoạn nước rút hiện tại.