Siết chặt kỷ cương hành chính ngay từ đầu năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 10 ngày qua, Sở Nội vụ đã kiểm tra công vụ đột xuất 20 cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn. Qua kiểm tra của Sở và ghi nhận của phóng viên cho thấy, cùng với sự nỗ lực, khẩn trương của hầu hết các đơn vị, vẫn còn những tồn tại cần khắc phục ngay, nhằm sớm đưa kỷ luật, kỷ cương hành chính vào quy củ, tạo hình ảnh đẹp của người cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC).

Kinhtedothi - Trong 10 ngày qua, Sở Nội vụ đã kiểm tra công vụ đột xuất 20 cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn. Qua kiểm tra của Sở và ghi nhận của phóng viên cho thấy, cùng với sự nỗ lực, khẩn trương của hầu hết các đơn vị, vẫn còn những tồn tại cần khắc phục ngay, nhằm sớm đưa kỷ luật, kỷ cương hành chính vào quy củ, tạo hình ảnh đẹp của người cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC).

 
Giải quyết TTHC cho DN trong những ngày đầu năm tại Sở Công Thương. (Ảnh: Thùy Linh)
Giải quyết TTHC cho DN trong những ngày đầu năm tại Sở Công Thương. (Ảnh: Thùy Linh)
Nơi nghiêm túc…

Qua kiểm tra cho thấy, tại hầu hết cơ quan, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân và tổ chức cơ bản được duy trì ổn định. Điển hình tại một số trụ sở UBND như quận Hà Đông, huyện Gia Lâm, phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai), phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng)..., việc giải quyết hồ sơ cho người dân ở bộ phận một cửa diễn ra nhanh, hiệu quả. Số đường dây nóng, quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), mức thu phí, lệ phí và biểu mẫu phục vụ giao dịch hành chính đều được công khai ở vị trí dễ quan sát. Những thủ tục chứng thực, đính chính năm sinh… được giải quyết nhanh gọn. Tại quận Hà Đông, khách đến giao dịch đều lấy phiếu theo thứ tự và chấm điểm cán bộ bằng máy, góp phần giúp lãnh đạo thường xuyên đánh giá được tác phong làm việc của cán bộ một cửa.

Đến bộ phận "một cửa" UBND phường Phan Chu Trinh làm chứng thực giấy tờ, anh Nguyễn Ngọc Nam (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Tôi cứ nghĩ đầu năm phải chờ lâu, nhưng tới đây được các CB, CC giải quyết hồ sơ nhanh chóng, có trách nhiệm".

Và những cán bộ tắc trách

Trong khi nhiều công sở rất nghiêm túc ngay từ những ngày đầu “ra quân” thì vẫn có những đơn vị "mắc lỗi" trong thực thi công vụ. Trước tiên là về công khai, minh bạch, UBND xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) hay phường Phú Lãm (quận Hà Đông)… đều chưa niêm yết lịch tiếp công dân thường xuyên và lịch tiếp công dân của Chủ tịch UBND. Tại phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), hòm thư góp ý được treo tại góc nhà để xe, bụi phủ mờ; tại thời điểm kiểm tra không thấy bất cứ văn bản nào công bố số đường dây nóng, không có chìa khóa mở hòm thư. Thậm chí, không ít nơi như UBND phường Phú Lãm, phường Nguyễn Du còn niêm yết danh mục TTHC đã hết hiệu lực. 

Việc chấp hành thời gian, tác phong làm việc của CB,CC tại nhiều nơi cũng rất đáng phê bình. Đó không chỉ là việc không đeo biển tên đầy đủ mà nghiêm trọng hơn là chưa thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết vào tất cả ngày làm việc như: UBND phường Ô Chợ Dừa chiều thứ Hai hàng tuần họp giao ban nên không tiếp dân (!); Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội huyện Phúc Thọ chỉ tiếp nhận đăng ký thường trú vào thứ Hai, Ba, Năm, Bảy và trả kết quả vào thứ Năm, thứ Bảy...

Trước tình trạng một số bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ của công dân không đưa phiếu hẹn trả kết quả, không có ký nhận của công dân, Phó Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Đinh Chí Công nhận định: “Không biết công dân phải đợi bao lâu, chỉ biết cán bộ đã nhận giấy tờ của họ, nhất là bản gốc rồi mang ra khỏi phòng một cửa, chỉ trong vòng 5 phút mà xảy ra mất mát thì trách nhiệm thuộc về ai, bởi không có căn cứ. Nên, phiếu hẹn trả kết quả ngoài xác định rõ thời gian trả, còn có ý nghĩa xác định quyền và nghĩa vụ của công dân và cán bộ một cửa”.     

Như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, trong cuộc kiểm tra ngày 23/2 tại bộ phận một cửa UBND phường Phú Lãm (Hà Đông), đoàn kiểm tra tình cờ được bà Nguyễn Thị Đoán (số nhà 300 tổ 8 phường Phú Lãm) phản ánh về việc quá mệt mỏi vì đã 4 năm phải lo nghĩ, đi lại rất nhiều lần về việc đính chính lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do chưa được hướng dẫn cụ thể. Đại diện đoàn kiểm tra cho rằng, vụ việc đáng phê phán ở chỗ: Chưa biết “sổ đỏ” của gia đình bà Đoán đúng hay sai (và dù có sai thì đó cũng là lỗi của cơ quan chức năng chứ không phải người dân), song việc hướng dẫn chưa đến nơi đến chốn của các cấp chính quyền đã gây mất thời gian, công sức và ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào cơ quan Nhà nước.

Qua các cuộc kiểm tra, đoàn công tác đều lập biên bản có ký xác nhận của đại diện đơn vị; đề nghị khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và xử lý CB, CC liên quan. Đoàn sẽ sớm tổng hợp báo cáo với UBND TP và có văn bản chính thức gửi từng đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, sau đó quay trở lại kiểm tra việc khắc phục. Rõ ràng, việc tái kiểm tra là rất cần thiết để tạo chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP ngay trong những ngày làm việc đầu năm. Điều đó cũng đòi hỏi mỗi CB, CC phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, để thực sự là “công bộc” của dân.