Trong đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh.
Đảm bảo ATTP trong bếp ăn nhà trường
Hà Nội hiện có 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin. Trung bình mỗi ngày cung cấp hơn 117.000 suất ăn. Do vậy, công tác đảm bảo ATTP cho học sinh, nhất là trong những ngày Hè nắng nóng được các nhà trường quan tâm, chú trọng.
Đặc biệt, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023, các đoàn kiểm tra liên ngành từ TP đến các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn trường học.
Với sự ra quân đồng loạt trong Tháng hành động vì ATTP, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của TP đã kiểm tra 10 bếp ăn tập thể trường học. Trong đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã kiểm tra Trường Tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm), Trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hòa), Trường Tiểu học và THCS Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức). Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 nhận thấy, có nơi thực hiện rất tốt nhưng có nơi vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình về bảo đảm ATTP.
Cụ thể, qua kiểm tra thực tế bếp ăn của Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) nơi có 1.400 học sinh ăn bán trú, Đoàn ghi nhận, trường và đơn vị cung cấp suất ăn đã xuất trình đầy đủ các hồ sơ pháp lý có liên quan. Bếp ăn tập thể sạch sẽ, đảm bảo quy trình một chiều. Xét nghiệm nhanh 5 mẫu bát, khay đựng thức ăn đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra lưu ý, khu vực bếp cần tăng cường vệ sinh sàn bếp và có biển báo phân khu riêng biệt. Nhân viên bếp cần được tập huấn lại các quy trình thực hành vệ sinh, ATTP…
Đồng thời, Đoàn đề nghị trường có kế hoạch kiểm tra đột xuất đơn vị cung cấp thực phẩm nhằm tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm. “Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Du và nhà cung cấp Hương Việt Sinh cần sàng lọc, lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, an ninh, an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm” - Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Tương tự, tại bếp ăn của Trường Tiểu học và THCS Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức), nơi cung cấp khoảng 400 suất ăn bán trú, ghi nhận thực tế cho thấy, bếp ăn rộng rãi, khang trang, sạch sẽ nhưng sắp xếp, bố trí khu bếp chưa khoa học. Ngoài ra, nhà trường chưa thực hiện việc giám sát bếp ăn hằng ngày, không có sổ theo dõi việc lưu mẫu thức ăn…
Còn tại bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), nơi cấp hơn 500 suất ăn mỗi ngày, qua ghi nhận, khu vực bếp ăn bảo đảm sạch sẽ, trang bị đầy đủ trang thiết bị như: tủ sấy tiệt trùng dụng cụ, bát đĩa, kệ giá, khay đựng thực phẩm. Nhân viên chế biến cũng được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, mũ…
Ngoài ra, hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác bảo đảm ATTP của bếp ăn đều đáp ứng đầy đủ; người tham gia chế biến được tập huấn kiến thức về ATTP. Qua xét nghiệm nhanh các khay ăn, Đoàn kiểm tra phát hiện có 2/10 khay ăn còn có tinh bột bám dính. Đoàn kiểm tra yêu cầu nhà trường cần sắp xếp lại bếp ăn, bảo đảm theo quy trình một chiều và thông thoáng hơn.
Giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra, hầu hết nhà trường đều chấp hành tốt quy định về ATTP, ký hợp đồng với những đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Đơn cử như có trường chưa thực hiện việc giám sát bếp ăn hằng ngày; khu vực chế biến sắp xếp lộn xộn, có côn trùng xâm nhập; nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan và chưa xuất trình được kết quả xét nghiệm nước định kỳ theo quy định; khay ăn cho học sinh còn có tinh bột bám dính; chưa thực hiện theo dõi lưu mẫu thức ăn…
Đề cập đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, qua kiểm tra, một số bếp ăn có diện tích khu sơ chế và chế biến chật hẹp, chưa vận hành theo nguyên tắc một chiều, kho bảo quản thực phẩm còn sắp xếp lộn xộn, chưa có lưới chắn côn trùng…
Qua đó, Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu các trường, đơn vị cung cấp suất ăn phải có biện pháp khắc phục ngay lập tức, đồng thời giao cho cơ quan chức năng địa phương giám sát. Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các trường cần tăng cường giám sát nguồn nguyên liệu đầu vào hằng ngày, tổ chức đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các DN, đơn vị ký hợp đồng cung cấp cho trường.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đề nghị các địa phương, đơn vị, nhà trường trên địa bàn TP tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo đảm ATTP.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Huy động tối đa sự vào cuộc của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương để tuyên truyền, phổ biến quy định về ATTP, kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến, tiêu dùng thực phẩm...
“Với các nhà trường, Sở Y tế Hà Nội đề nghị nêu cao vai trò của tổ tự giám sát. Đặc biệt, với nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có hồ sơ giao nhận, có biên bản ký giao nhận và có sự tham gia giám sát của ban phụ huynh học sinh nhằm bảo đảm tốt nhất về ATTP. Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ và đột xuất, qua đó, từng bước siết chặt công tác bảo đảm ATTP bếp ăn bán trú trường học” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Để học sinh có bữa ăn an toàn, bảo đảm đủ dinh dưỡng, không chỉ cần một khâu, một quy trình mà là sự kết hợp đồng bộ của một hệ thống trong cả quá trình. Từ khâu giao nhận thực phẩm đến chế biến, giám sát, vệ sinh, rửa bát, lên thực đơn... đều cần bảo đảm yêu cầu của các quy định về ATTP.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương