Saturday, 09:04 19/01/2019
Siết chặt tín dụng để tránh “bong bóng” bất động sản
Kinhtedothi - Chủ trương kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản (BĐS) đã được thực hiện một cách rốt ráo trong năm 2018. Năm 2019, khả năng vốn vào BĐS sẽ còn siết chặt hơn.
Nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản
Kiểm soát tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 01/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, tín dụng BĐS được cho là sẽ bị kiểm soát rất chặt chẽ.Tính đến cuối 2018 dư nợ cho vay BĐS ước tính khoảng 7,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu tính cả cho vay BĐS và xây dựng thì tỷ trọng này là 16,5%, còn nếu tính cả cho vay mua nhà, sửa nhà trong cho vay tiêu dùng thì tổng dư nợ kinh doanh BĐS, xây dựng và liên quan đến nhà ở chiếm đến 22,5% tổng dư nợ nền kinh tế.
Từ đầu năm 2019, tín dụng cho vay lĩnh vực BĐS sẽ có nhiều thay đổi. Các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có BĐS (năm 2018 mức này là 45%). Đồng thời, NHNN nâng hệ số rủi ro cho vay BĐS từ mức 200% lên mức 250%. Nâng hệ số rủi ro lên đồng nghĩa với hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng sẽ suy giảm (trong bối cảnh đa phần các ngân hàng hiện nay đều chưa đảm bảo được CAR theo tiêu chuẩn Basel II) nếu cứ tiếp tục đẩy mạnh cho vay BĐS. Bên cạnh đó, Basel II sắp được áp dụng các điều kiện cũng khắt khe hơn, nhất là các quy định về tổng tài sản, rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường... sẽ làm thay đổi tỷ lệ nợ xấu, các ngân hàng đang phải chạy đua từng ngày để tăng vốn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn mới. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), để đáp ứng được mức tăng trưởng tín dụng 14 - 15%/năm, các ngân hàng niêm yết cần phải tăng vốn thêm 237.000 tỷ đồng trong năm 2019. Đây cũng là lý do khiến tín dụng BĐS sẽ bị hạn chế hơn.
"Mặt bằng lãi suất BĐS thời gian qua có xu hướng tăng và có thể còn tiếp diễn tăng trong thời gian tới. Các DN đã khá nhạy bén để chuyển hướng tìm nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng sang thị trường chứng khoán, đây là một điều rất tích cực." - TS. Cấn Văn Lực |