Giám sát đồng bộ
6 tháng đầu năm 2022, vấn đề ATTP được Sở NN&PTNT Hà Nội đặc biệt quan tâm. Công tác lấy mẫu, giám sát chất lượng ATTP được thực hiện thường xuyên, tập trung vào nhóm sản phẩm tươi sống tiêu dùng hàng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã lấy tổng số 375 mẫu thực phẩm để giám sát chất lượng. Hiện, đã có kết quả của 105 mẫu, trong đó ghi nhận 6 mẫu vượt ngưỡng hàm lượng các chất cho phép.
Cụ thể, 4 mẫu thủy sản phát hiện có chứa Leucomalachite Green, Ractopamin và hàm lượng cadimi vượt ngưỡng; 1 mẫu thịt gà phát hiện Salmonella. Ngoài ra còn có 1 mẫu rau chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrin vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép.
Cùng với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội, công tác giám sát ATTP cũng được một số đơn vị có trách nhiệm thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội chú trọng. Đơn cử Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
Hà Nội đã tiến hành lấy 417 mẫu rau, quả, chè để phân tích chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cũng đã tiếp nhận và phân tích 236 mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản phục vụ công tác chứng nhận chất lượng sản phẩm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đã tiến hành lấy 50 mẫu thịt động vật tại cơ sở giết mổ để phân tích các chỉ tiêu ATTP và kiểm dịch động vật.
Xử phạt nghiêm vi phạm
Song song với lấy mẫu thực phẩm phục vụ giám sát chất lượng, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm và kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm quy định về ATTP.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng ngành nông nghiệp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 205 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. “23 cơ sở vi phạm đã bị các cơ quan chuyên môn của Sở xử phạt với tổng số tiền gần 386 triệu đồng” - ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.
Riêng đối với lĩnh vực ATTP, đã có 55 cơ sở trên địa bàn Hà Nội được ngành nông nghiệp thanh tra, kiểm tra. Trong đó, lực lượng liên ngành đã phát hiện và xử phạt 19 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Các hành vi chủ yếu là kinh doanh hàng hóa hoặc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung về bảo đảm ATTP, ghi sai nhãn sản phẩm...
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã giao các Trạm Thú y phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện tăng cường kiểm tra trên 3 lĩnh vực: Phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch - kiểm soát giết mổ - kiểm tra vệ sinh thú y, kinh doanh thú y; chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm.
Các đoàn liên ngành đã kiểm tra 3.294 lượt cơ sở, phát hiện và xử lý 115 cơ sở vi phạm, trong đó cảnh cáo 31 trường hợp, phạt 85 trường hợp, với tổng số tiền gần 568 triệu đồng. Đồng thời, tiêu hủy nhiều tấn sản phẩm động vật không an toàn.
Nâng cao năng lực giám sát ATTP
Nhằm bảo đảm hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP, những năm qua, TP đã bố trí kinh phí để Sở NN&PTNT Hà Nội đầu tư hệ thống trang thiết bị phân tích hiện đại và đồng bộ, có năng lực thực hiện nhiều phép thử khác nhau.
Giám đốc Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Bùi Thanh Hương chia sẻ, đơn vị hiện đã xây dựng, hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản lý phòng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã hoàn thành đăng ký hoạt động chứng nhận sự phù hợp theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP; được Bộ KH&CN công nhận là tổ chức chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn theo ISO 17065 cho 56 sản phẩm; chứng nhận nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn IFOAM; được Bộ NN&PTNT chỉ định là tổ chức chứng nhận VietGAP.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, năng lực giám sát sự phù hợp về ATTP được nâng cao giúp công tác quản lý Nhà nước thuận lợi hơn. Điều này cũng sẽ khiến các chủ thể nhận thức rõ việc cần thiết phải hướng đến những phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn.
Để bảo đảm công tác ATTP trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục kiện toàn, tổ chức lực lượng quản lý chất lượng thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường từ TP đến quận, huyện, thị xã đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP.
Ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục đầu tư và đề xuất TP hỗ trợ nâng cấp hệ thống trang thiết bị kiểm nghiệm hiện đại, tiến tới mở rộng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm, nâng cao chỉ tiêu được công nhận, chỉ định, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về chất lượng ATTP.
Cùng với đó, tăng cường công tác lấy mẫu giám sát thực phẩm nông lâm thủy sản trên diện rộng; phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm về ATTP. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm kịp thời các vi phạm.
Để tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về ATTP, Hà Nội đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Y tế sớm rà soát, bổ sung ban hành danh mục, chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm thực phẩm nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiếp nhận 180 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Kết quả, có 148 cơ sở xếp loại B, 20 cơ sở xếp loại C, 11 cơ sở không đánh giá do sai địa chỉ và loại hình đăng ký không đúng với thực tế sản xuất, kinh doanh. Sở cũng đã cấp 204 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó cấp lại 56 giấy chứng nhận do cơ sở đổi tên địa điểm kinh doanh.