Tuy nhiên, trước những bất cập, hạn chế phát sinh, Chính phủ đang định hướng lại việc thu hút, quản lý, sử dụng cho phù hợp với tình hình mới.
Xu hướng phải giảm dần Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, hiện các khoản giải ngân đã cao hơn dự toán trung hạn. Giai đoạn 2016 - 2020 ước thực hiện khoảng 360.000 tỷ đồng, cao hơn 60.000 tỷ đồng so với hạn mức 300.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua. Tình trạng vượt dự toán là do trong quá trình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA còn tồn tại một số bất cập hạn chế. Công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế. Một số dự án chậm tiến độ đi đôi với việc tăng tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư tăng cao, tổng chi phí phải trả để đạt được mục tiêu lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. GPMB ở nhiều dự án vướng mắc, kéo dài thời gian thi công, đội vốn nhiều lần so với dự toán ban đầu.
Trước đây có tâm lý chủ quan, quan niệm đó là vốn viện trợ, địa phương, ngành nào cũng tranh thủ xin vốn ODA mà không nghĩ đó là nợ công quốc gia. Quy trình Chính phủ đi vay và cấp phát cho địa phương khiến địa phương không chịu áp lực trả nợ, trả lãi. Vì thế, có những dự án chưa thực sự cần đầu tư nhưng tâm lý có vốn ODA nên cứ xin đầu tư. Điều này khiến sử dụng có phần lãng phí. Chuyên gia tài chính - đầu tư Đinh Thế Hiển |
Đã có không ít dự án phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư gấp nhiều lần so với phê duyệt ban đầu, phổ biến nhất là dự án đường sắt đô thị. Chẳng hạn, dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thanh Long - Trần Hưng Đạo tăng từ gần 20.000 tỷ đồng lên khoảng 52.000 tỷ đồng và sau thẩm định được hạ xuống gần 33.569 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên từ hơn 17.000 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ đồng. Tương tự, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tăng từ 8.769 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ đồng; dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay của Pháp, ADB tăng từ 783 triệu Euro lên hơn 1,17 tỷ Euro…
Theo yêu cầu của Quốc hội, vốn ODA tăng vượt từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ, đồng thời giảm tương ứng vốn vay trong nước để không vượt trần nợ công. “Việt Nam cần chuẩn bị cho chiến lược rút lui việc vay vốn ODA” - Bộ KH&ĐT đề xuất. Phát biểu tại Diễn đàn chuyên đề Vốn - Tài chính mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng, trước đây, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào vốn ODA và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng những năm gần đây, vai trò của nội lực ngày càng thể hiện rõ nét. Dự kiến, vốn ODA trong thời gian tới sẽ giảm.
Bịt kẽ hở sử dụngViệt Nam đã qua giai đoạn tiếp nhận các nguồn vốn với lãi suất thấp và chuyển sang giai đoạn tiến cận các nguồn vốn kém ưu đãi hơn. Do đó cần có những thay đổi về định hướng thu hút, sử dụng nhằm bảo đảm yêu cầu kép là hiệu quả và khả năng trả nợ. Trong định hướng mới về thu hút và sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đề xuất vốn vay ODA và vay ưu đãi chỉ nên chiếm 30 - 50% tổng mức đầu tư dự án, đóng vai trò vốn mồi, chất xúc tác cho nguồn vốn khác.
Đối với giai đoạn 2021 - 2025, sử dụng vốn vay nước ngoài tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn để tăng cường năng lực trả nợ của quốc gia. Ví dụ, các dự án giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng kích thích các ngành hoặc hoạt động xuất khẩu (giao thông, đô thị thông minh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo…), phát triển nông nghiệp thông minh, các dự án đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Hạn chế sử dụng vốn vay nước ngoài để tài trợ cho nhu cầu mua sắm nội địa vì làm tăng nợ công nhưng không cải thiện năng lực trả nợ quốc gia.
Chính phủ sẽ thống nhất quản lý Nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ, thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý của bộ, ngành, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.