70 năm giải phóng Thủ đô

Siêu bão Yagi phức tạp, nhiều bệnh viện tạm dừng khám theo yêu cầu

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Yagi, một số bệnh viện đã thông báo tạm dừng khám bệnh tại một số khoa yêu cầu, khám ngoại trú trong ngày cuối tuần. Điều này nhằm hạn chế việc đi lại, đảm bảo an toàn cho người dân trước diễn biến phức tạp của bão Yagi.

Tạm dừng khám bệnh ngoại trú, theo yêu cầu

Nhằm đảm bảo an toàn, chủ động và tập trung ứng phó với siêu bão Yagi, cấp cứu và điều trị người bệnh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phát thông báo tạm dừng khám bệnh tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu (nhà K1) trong hai ngày 7 và 8/9.

Trong 2 ngày cuối tuần này, Bệnh viện Mạch Mai vẫn tiếp nhận các trường hợp người bệnh đến cấp cứu tại các đơn vị: Trung tâm Cấp cứu A9, Trung tâm Đột quỵ, Đơn vị cấp cứu Tim mạch...

Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Mạch Mai.
Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Mạch Mai.

Hiện, đơn vị tập trung nguồn lực để chủ động ứng phó với siêu bão Yagi, đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh và nhân viên y tế, sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp cấp cứu hàng loạt do thảm họa, thiên tai. Bệnh viện cũng thành lập các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ chuyên môn khi có yêu cầu từ các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão.

Tương tự, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng ra thông báo nghỉ khám bệnh tại khoa Khám bệnh và Khám bệnh theo yêu cầu trước diễn biến phức tạp của bão Yagi. Cụ thể, khoa Khám bệnh theo yêu cầu (56 Hai Bà Trưng) chỉ khám bệnh sáng 7/9 (thứ Bảy) từ 7 giờ đến 12 giờ; khoa Khám bệnh nhà G nghỉ khám bệnh trong 2 ngày 7 và 8/9. Các hoạt động cấp cứu và điều trị nội trú tại bệnh viện diễn ra bình thường.

Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Yagi, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình cũng phát đi thông báo tạm dừng hoạt động khám bệnh trong hai ngày 7-8/9 tại Khu Khám Bệnh theo yêu cầu, Khu tiêm chủng vaccine và các hoạt động khám dịch vụ cần di chuyển giữa 2 tòa nhà A, B như đo OAE, Siêu âm sàng lọc tim, Siêu âm ổ bụng sàng lọc trước khi ra viện.

Phòng khám trực sản và phòng khám trực cấp cứu nhi tại khoa cấp cứu vẫn đảm bảo công tác chuyên môn như ngày nghỉ hàng tuần. Người bệnh, người nhà người bệnh ở lại vào hai ngày này yêu cầu sinh hoạt tại chỗ, không di chuyển ra khỏi tòa nhà mình đang ở, không di chuyển tự do giữa hai tòa nhà để đảm bảo an toàn.

Bệnh viện thông báo tạm dừng khám bệnh ngoại trú.
Bệnh viện thông báo tạm dừng khám bệnh ngoại trú.

Tương tự, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Ninh cũng thông báo tạm dừng việc khám bệnh theo yêu cầu vào ngày 7/9, đồng thời duy trì việc trực cấp cứu 24/24 giờ.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng thông báo tạm dừng khám bệnh ngoại trú trong 2 ngày cuối tuần 7 và 8-9; hoãn lịch khám chuyên gia vào ngày thứ 7 (7/9). Riêng hoạt động cấp cứu được bệnh viện tăng cường, đảm bảo 24/24 giờ; công tác điều trị nội trú duy trì bình thường. Khám bệnh ngoại trú sẽ trở lại hoạt động từ thứ Hai (9/9).

Hà Nội trực cấp cứu 24/24h, hạn chế khám theo yêu cầu

Riêng tại Hà Nội, TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, sáng 7/9, bệnh viện thông báo vẫn trực khám, điều trị, xử lý cấp cứu bình thường. Hoạt động trực khám tại các khoa vẫn bình thường. Riêng một số khoa yêu cầu, bệnh viện hạn chế tối đa, cụ thể, sáng nay (thứ 7), bệnh viện chỉ khám đến 10 giờ.

Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Yagi, bệnh viện sẵn sàng kế hoạch ứng phó với mọi diễn biến của mưa bão; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh, nhân viên y tế khi ra về. Đặc biệt, các  kíp với hơn 100 bác sĩ/ngày vẫn trực bình thường tại bệnh viện.

Người dân làm thủ tục tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Người dân làm thủ tục tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, đại diện lãnh đạo bệnh viện cho biết, công tác khám bệnh, trực cấp cứu của bệnh viện diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đơn vị cũng hạn chế hoạt động khám bệnh tại một số khoa yêu cầu trong ngày cuối tuần để bảo đảm an toàn việc đi lại cho người dân.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa vẫn thực hiện đầy đủ công tác khám chữa bệnh bình thường và nâng cao tinh thần phục vụ trong ứng trực cấp cứu 24/24h, khám chữa bệnh cho người dân.

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 3, để bảo đảm công tác y tế trước, trong và sau bão, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư và trang thiết bị.

Ngoài ra, các cơ sở bảo đảm sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão.

Trước đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 (Yagi), sẵn sàng phương án tổng thể với các tình huống giả định xấu nhất để đối phó với bão, trong đó chuẩn bị về nhân lực, vật lực, hậu cần để sẵn sàng ứng phó.

Với các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện đa khoa tỉnh/TP chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ số xe cấp cứu, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho tối thiểu 2 đội cấp cứu lưu động (lưu ý các cơ số phục vụ cấp cứu chấn thương), đội cấp cứu lưu động, trực 24/24h sẵn sàng ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão khi được lệnh điều động.

Đối với Sở Y tế bố trí lãnh đạo Sở trực chỉ huy 24/24, chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc để chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng cho các tình huống khẩn cấp trước, trong và sau bão.

Đối với từng bệnh viện trong khu vực dự báo bị ảnh hưởng của bão, chủ động sơ tán người bệnh và các trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ người bệnh tới các tòa nhà kiên cố có khả năng chịu được tác động mạnh của bão. Các dơn vị chuyển người bệnh nặng, phương tiện máy thở và phương tiện hồi sức cấp cứu khác lên tầng cao để tránh ngập lụt…