Khi cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp diễn và Bắc Kinh đối mặt với khả năng bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, New Delhi đang âm thầm nâng cao vị thế địa chính trị.
Tiếng nói lớn
Ấn Độ đã thể hiện tham vọng đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói của Nam bán cầu - hội nghị trực tuyến do nước này tổ chức vào ngày 12-13/1. Theo chính phủ Ấn Độ, 125 quốc gia đang phát triển đã tham gia hội nghị, thảo luận về một loạt vấn đề trong 10 phiên, mỗi phiên tập trung vào các lĩnh vực chính sách cụ thể.
"Tiếng nói của bạn là tiếng nói của Ấn Độ và các ưu tiên của bạn là ưu tiên của Ấn Độ," Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong phiên khai mạc. "Mục đích của chúng tôi là khuếch đại Tiếng nói của Nam bán cầu".
Ấn Độ đang tìm cách tận dụng vị trí chủ tịch mới của Nhóm G20 để lên tiếng bất bình thay các quốc gia đang phát triển, nhiều trong số đó phải chịu giá lương thực và năng lượng cao hơn cũng như những tác động của sự nóng lên toàn cầu và căng thẳng địa chính trị.
Tham vọng lãnh đạo "Nam bán cầu" của Ấn Độ phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của nước này. Với dân số vượt 1,4 tỷ người, quốc gia này đang trên đà vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất trong năm nay - lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ khi Liên Hợp quốc bắt đầu theo dõi dữ liệu nhân khẩu học toàn cầu vào những năm 1950.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vào năm 2022, Ấn Độ có thể vượt qua Anh, quốc gia từng là thuộc địa của nước này, về tổng sản phẩm quốc nội, đưa quốc gia Nam Á trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.
Ngân hàng Phát triển Châu Á đã dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt 7,2% trong năm nay, cao nhất trong số 46 thành viên ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.
Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được thúc đẩy bởi xu hướng toàn cầu hướng tới chuỗi cung ứng đa dạng xuất hiện từ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc và đại dịch COVID.
Bị thu hút bởi thị trường tiềm năng to lớn của đất nước, Apple đã bắt đầu lắp ráp chiếc iPhone 14 mới nhất tại Ấn Độ, chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và các địa điểm khác. Trong một cuộc khảo sát năm tài chính 2022 đối với các công ty Nhật Bản của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Ấn Độ đứng đầu danh sách các điểm đến khả thi để mở rộng ra nước ngoài, giành lại ngôi vương lần đầu tiên sau ba năm.
Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Đức về GDP vào năm 2025 và Nhật Bản vào năm 2027 để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc. Ông Modi đã cam kết đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, khi nước này kỷ niệm 100 năm độc lập.
Ấn Độ cũng là nguồn cung cấp tài năng chính trị và kinh doanh hàng đầu. Ngành công nghệ Mỹ được hỗ trợ bởi một nhóm các chuyên gia công nghệ gốc Ấn Độ, bao gồm Satya Nadella, chủ tịch và giám đốc điều hành của Microsoft, và Giám đốc điều hành của Alphabet, Sundar Pichai. Các chính trị gia phương Tây nổi tiếng có nguồn gốc Ấn Độ bao gồm Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Nhìn nhận từ phương Tây
Tuy nhiên, nỗ lực nâng cao vị thế toàn cầu của New Delhi không phải lúc nào cũng thành công.
Khoảng một năm sau khi đại dịch bắt đầu, Ấn Độ đã phát động chiến dịch xuất khẩu vaccine sản xuất trong nước để cạnh tranh với "chính sách ngoại giao vaccine" của Trung Quốc. Tuy nhiên chiến dịch buộc phải dừng đột ngột sau đợt bùng phát lớn tại Ấn Độ.
Mặc dù được biết đến với chính sách không liên kết, Ấn Độ đã thực hiện một số động thái chiến lược để chống lại sự bành trướng hải quân của Trung Quốc vào Nam Á. Nước này đã hợp tác với Nhật Bản, Mỹ và Úc để thành lập Bộ tứ, một liên minh chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng chưa có liên kết chặt chẽ cụ thể.
Mùa xuân năm ngoái, các nhà lãnh đạo phe dân chủ, bao gồm Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đến thăm Ấn Độ. Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến khẩn cấp với ông Modi. Tất cả cố gắng thuyết phục Ấn Độ tham gia liên minh các cường quốc dân chủ chống lại Nga.
Vào tháng 9, ông Modi khẳng định "thời đại này không phải của chiến tranh" - được coi là lời công kích với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến tại Ukraine tại một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức bên lề một hội nghị quốc tế ở Uzbekistan.
Nhưng còn quá sớm để coi những lời nói cứng rắn của ông Modi là hệ quả của sức ép từ phương Tây. Trên thực tế, Ấn Độ đã tham gia các cuộc tập trận quân sự của Nga vào tháng 8 và tháng 9 và hồi tháng 10 bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp quốc để lên án "sự sáp nhập" của Moscow đối với 4 khu vực phía đông và phía nam Ukraine.