Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Siêu dự án” Vành đai 4-Vùng Thủ đô: Cam kết mạnh mẽ, hành động quyết liệt

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang huy động cả hệ thống chính trị, thể hiện quyết tâm ngày càng mạnh mẽ với những nỗ lực toàn diện cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô. Đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật.

Phối cảnh đường Vành đai 4. Ảnh phối cảnh
Phối cảnh đường Vành đai 4. Ảnh phối cảnh

Chỉ đạo toàn diện

Với quy mô đầu tư lên đến 85.813 tỷ đồng, kéo dài 112,8km, đi qua 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng Quốc gia, được Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm, tạo mọi điều kiện, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về tiến độ thực hiện.

Xác định rõ vai trò cũng như các vấn đề của dự án, Thành ủy, HĐND, UBND cùng cả hệ thống chính trị của TP Hà Nội đã vào cuộc với tinh thần chủ động, rốt ráo. Nhờ vậy công tác chuẩn bị khởi công dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là công tác GPMB. Theo tính toán, Hà Nội sẽ cần tới 741ha đất để thực hiện dự án; công tác GPMB liên quan đến 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Đặc biệt phức tạp là việc di dời hàng vạn ngôi mộ. TP đặt mục tiêu đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng sạch cho dự án, hết năm 2023 sẽ bàn giao 100%.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội. Chỉ thị nêu rõ, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua), mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Nghị quyết của Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Thường vụ Đảng ủy các quận, huyện liên quan, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác GPMB. Yêu cầu mỗi địa phương xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành GPMB; gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chậm trễ GPMB, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Định kỳ giao ban kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Kịp thời đề xuất, báo cáo UBND TP giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác GPMB.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể từng lĩnh vực từ GPMB, quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ, thủ tục… liên quan đến dự án Vành đai 4. Đặc biệt Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý, giải quyết các hồ sơ, văn bản gửi đến liên quan tới Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải trong thời gian 24 - 48 giờ; khi phát hành các văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan có đóng dấu hỏa tốc.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Oai ngày 7/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều, địa phương cùng các sở, ngành liên quan phải ưu tiên toàn tâm, toàn lực cho công tác hoàn thành các cơ chế, chính sách GPMB, đảm bảo quyền lợi cho người dân. “Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dự án Vành đai 4 phải tính theo ngày, chứ không phải tính theo tuần” - Chủ tịch UBND TP nói.

Quận Hà Đông dự kiến thu hồi 75ha đất cho Dự án đường Vành đai 4. Ảnh: Thái Nguyễn  
Quận Hà Đông dự kiến thu hồi 75ha đất cho Dự án đường Vành đai 4. Ảnh: Thái Nguyễn  

Giải phóng mặt bằng là ưu tiên số một

Đại diện chủ đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Ban đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần; phối hợp với Sở TN&MT cùng các địa phương cắm xong 2.000/3.000 mốc chỉ giới, tiến hành bàn giao để GPMB. Dự kiến, công tác cắm mốc giới và bàn giao cho các quận, huyện sẽ hoàn thành trước ngày 15/11. Thời gian phê duyệt phương án cắm mốc của Sở TN&MT đến khi bàn giao cho địa phương sẽ diễn ra trong khoảng 7 ngày.

Công tác GPMB đã được cả 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín triển khai nhanh chóng, linh hoạt, nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Ông Phạm Ngọc Thành - Đội trưởng xóm 1, thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín cho biết, ngay sau khi có chủ trương của TP, huyện Thường Tín đã tổ chức họp, thông tin và lấy ý kiến đóng góp của người dân. Những hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án đường Vành đai 4 rất đồng thuận với chính sách đền bù, công tác đo đạc, cắm mốc chỉ giới đã được thực hiện xong.

“Người dân chúng tôi rất phấn khởi khi dự án đường Vành đai 4 chạy qua địa phương. Tuyến đường là cầu nối giữa các địa phương tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Chúng tôi mong rằng, Vành đai 4 sớm đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của người dân” - ông Phạm Ngọc Thành nói.

Hay như tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, trong tháng 10 vừa qua đã tổ chức di dời được 18 ngôi mộ (tại thôn Kim Tiền) nằm trong chỉ giới đường đỏ để GPMB, phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Lê Xuân Trường chia sẻ, sau thời gian tích cực vận động, tuyên truyền, hầu hết Nhân dân trong xã đã đồng thuận và nhận thức vai trò quan trọng, thiết yếu của tuyến đường. Nhờ có sự nhất trí, ủng hộ của người dân, việc di chuyển mồ mả, phục vụ công tác GPMB đã có kết quả rất tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, còn rất nhiều khó khăn phía trước mà Hà Nội cần đột phá. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh lưu ý, công tác GPMB là ưu tiên số một hiện nay. Đặc biệt trong phạm vi dự án Vành đai 4 có tới hàng vạn ngôi mộ cần di dời. Bởi vậy, TP đã yêu cầu 7 quận, huyện nhanh chóng xây dựng các khu nghĩa trang mới để chuẩn bị vận động người dân di chuyển mồ mả.

Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, Hà Nội đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ, được duy trì, lan tỏa từ lãnh đạo Thành ủy, UBND TP cho đến các địa phương, sở, ban, ngành trong công tác GPMB, chuẩn bị dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

 

Sự vào cuộc nghiêm túc, cụ thể của cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ lãnh đạo TP, cùng với nhiều cách làm hay, độc đáo đã mang niềm tin đến cho người dân, giành được sự ủng hộ rất cao trong dư luận xã hội. Tôi tin Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đề ra, GPMB toàn bộ dự án vào cuối năm 2023.

Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành