Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sinh con một bề!

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến bây giờ dù đã con đàn cháu đống, nhưng đôi khi ông anh rể tôi vẫn “chợt thoáng buồn” vì vợ thuộc hàng không biết đẻ - khi sinh một lèo 5 đứa cháu trai.

Điều này khiến anh suốt đời không được làm ông ngoại và cũng không được “trải nghiệm” câu “bố vợ phải đấm” của đám đàn ông tếu táo trong làng mỗi khi rượu vào!

Ngày chị tôi đi làm dâu, bố mẹ tôi nơm nớp lo, bởi nhà trai có truyền thống sinh ra “thị mẹt". Này nhé, anh cả 6 gái, 1 trai; anh hai 4 gái, 1 trai; anh thứ 3, có tới 5 nàng…

Khi chị tôi sinh cháu trai đầu lòng, đôi bên nội ngoại đều thở phào bởi từ nay anh chị đã cắt được cái “dớp” sinh con một bề (toàn gái) của họ. Khỏi phải nói anh rể tôi vui đến mức nào, ngày xuất viện, chị được hẳn một chiếc xe con hú còi đưa về! Khi thằng cu đầy tháng, cỗ bàn mấy chục mâm, kéo dài suốt từ lửng trưa đến đêm muộn…

Khi đứa đầu 2 tuổi, chị tôi có mang, năm sau chị sinh một bé trai còn kháu khỉnh hơn thằng anh. Quyết không để em kém anh, khi đón từ bệnh viện về, tiệc đầy tháng đều được tổ chức long trọng.

Sau khi có 2 cháu trai, chị dự định sẽ kế hoạch hóa gia đình để có điều kiện chăm sóc con một cách chu đáo. Nhưng khi đã có 2 đứa con trai, anh rể tôi lại muốn mụn con gái cho có nếp có tẻ.

Chiều chồng, chị tôi có mang lần thứ 3, sau nhiều lần siêu âm, chẳng rõ do thiết bị hay bác sĩ “nhìn gà hóa cuốc” mà kết quả là gái “chắc như đóng đinh”.

Ngày chị vào phòng hộ sinh, cả nhà lại bồn chồn chờ kết quả, lần này dẫu không căng thẳng như đứa đầu lòng, nhưng ai cũng hy vọng anh chị sẽ có đủ trai gái, dừng việc sinh đẻ để có điều kiện chăm sóc các cháu nên người…

Khi bác sĩ báo người nhà vào phòng đón cháu, anh rể tôi đứng ngồi không yên… Mãi đến khi mẹ tôi ghé vào tai nói câu gì đó, mặt anh thoáng đỏ rồi hai bên thái dương giật giật, tôi đoán anh chưa toại nguyện. Linh tính của tôi không sai, đứa bé là trai. Lần này xe bệnh viện vẫn đưa chị về tận nhà, tiệc đầy tháng vẫn diễn, nhưng quy mô thu hẹp.

Khi đứa thứ ba lẫm chẫm biết đi, trong gia đình ai cũng nghĩ anh chị sẽ dừng lại, nhưng cái quan niệm “tam nam” đã hối thúc anh chị, họ bàn nhau đẻ tiếp.

Đến lúc này chẳng ai trong gia đình quan tâm đến giới tính đứa bé. Ngày chị sinh, mẹ tôi ốm nên chẳng thể cùng chị “vượt cạn”, quá trưa sang chiều anh rể mới thông tin là anh chị đã đủ “tứ tử trình làng”.

Để chị khỏi tủi thân, ngày thằng bé đầy tháng, một lần nữa anh rể tôi lại linh đình tổ chức cỗ bàn. Theo cách lý giải của anh, đây là vụ “chốt hạ” nên phải… đầu cuối cho cháu nó đỡ thiệt thòi!

Thấm thoát, đứa con trai thứ tư của anh chị cũng vào lớp 1, cũng nhờ kinh tế gia đình anh thuộc dạng có của ăn của để, nên các con anh được nuôi dạy đàng hoàng. Bốn đứa con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn làm cho đôi bên nội ngoại ai cũng hài lòng…

Mấy năm sau, ở tuổi gần 40, chị tôi lại có bầu, hóa ra cái ước mơ có con gái của anh vẫn chưa dừng lại.

Nghe tin này, mẹ thì cười cười, còn bố tôi thủng thẳng mà rằng, ngày xưa ông cụ bên ấy có đến 6 đứa con gái mới “nẩy nòi” ra anh rể mày, bây giờ chắc nó lại cố xem có được “tí tẻ” nào không đấy mà…

Ngày chị tôi lên bệnh viện huyện chờ sinh, không chỉ trong gia đình, mà hàng xóm cũng phấp phỏng như chờ kết quả xổ số. Rốt cục chị tôi lại sinh một đứa con trai, thế là nhà anh có “ngũ hổ”…

Sau ngày thằng bé tròn một năm, trong câu chuyện với con rể, mẹ tôi nói đại ý rằng, phụ nữ ngoài 40 tuổi không nên sinh đẻ nữa vì rất dễ rủi ro đến sức khỏe…Chẳng biết do nghe lời mẹ tôi, hay vì lý do gì khác, anh chị tôi dừng lại ở 5 đứa con trai.

Đến nay đứa út cũng học năm cuối bậc THPT, đứa đầu học xong đại học, về quê lập nghiệp, đã lấy vợ và sinh 2 đứa cháu đủ tẻ đủ nếp. Ba đứa “ở giữa” thì hai theo ngành công an, một là sĩ quan quân đội và đều công tác gần nhà. Sẵn đất đai do ông bà để lại, anh chị tôi làm sẵn 5 căn nhà liền kề nhau, để sau này “ngũ hổ” quây quần…

Ngày cuối tuần, 5 đứa con trai tề tựu đông đủ, nhà anh chị tôi vui ngất trời… Lúc ấy ông anh rể tôi mới vuốt cằm mà “tinh tướng”, hóa ra sinh con một bề cũng có cái hay!