Sinh hoạt chuyên môn hướng nghiên cứu bài học- cách tiếp cận mới trong giáo dục

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học là một trong những hoạt động được ngành giáo dục Hà Nội đẩy mạnh thời gian qua nhằm triển khai chương trình GDPT 2018. Phương pháp này đã và đang cho thấy hiệu quả tích cực khi cả thầy cùng trò đều hào hứng, sôi nổi đón nhận.

Những tiết học mới, lạ

Cụm trường THPT Ứng Hòa - Mỹ Đức vừa tổ chức thành công buổi sinh hoạt chuyên đề: “Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường THPT” với 2 tiết môn Vật lí định hướng giáo dục STEM gồm: Lực cản và lực nâng; Momen lực - cân bằng của vật rắn (đều nằm trong Chương trình lớp 10, SGK Kết nối tri thức với cuộc sống) do một cô giáo đến từ Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) trực tiếp giảng dạy.

Tiết sinh hoạt chuyên đề: “Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường THPT cụm Ứng Hòa - Mỹ Đức 
Tiết sinh hoạt chuyên đề: “Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường THPT cụm Ứng Hòa - Mỹ Đức 

Tiết học ngoài sự tham gia của học sinh còn có 84 cán bộ quản lý, giáo viên (môn Vật lí, Toán, Hóa học, Sinh học và Công nghệ của các trường THPT cụm trường THPT Ứng Hòa - Mỹ Đức) dự theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; đặc biệt là sự góp mặt của các chuyên gia giáo dục STEM đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Giáo dục STEM là một phương pháp mới, không phải giáo viên nào cũng biết cách triển khai cũng như áp dụng, lồng ghép phương pháp STEM phù hợp trong từng tiết học. Bằng cách thức mới lạ, hai cô giáo đã mang đến cho cả thầy và trò 2 tiết học hấp dẫn, thú vị, đầy lôi cuốn mà ở đó, học sinh được tương tác tối đa, thực sự làm chủ tiết học còn giáo viên đóng vai trò dẫn dắt.

Sau tiết dạy, các đại biểu và giáo viên cùng trao đổi chuyên môn, thảo luận về bài học, vận dụng kết quả sau khi nghiên cứu, triển khai chuyên đề giáo dục STEM, chuyển đổi số vào thực tế giảng dạy ở các nhà trường. Buổi sinh hoạt chuyên đề góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh công tác dạy và học của các trường trọng cụm để đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Trước đó, tại Trường THPT Đan Phượng, hàng trăm học sinh, giáo viên đã được tham gia 2 tiết học môn Ngữ văn với chủ đề “Xung đột kịch” trong Vở kịch Vũ Như Tô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (sách Ngữ văn 11, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) do cô Nguyễn Hương Thủy, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) trực tiếp giảng dạy. Ngoài học sinh học trực tiếp, tiết học còn được kết nối trực tuyến tới 4 lớp 11 của Trường THPT Đan Phương, khối 11 của Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), THPT Tân Lập (huyện Phúc Thọ) và 237 điểm cầu tại các trường THPT trên địa bàn toàn TP.

Bằng phương pháp dạy học sáng tạo và hiện đại, cô Nguyễn Hương Thủy đã lồng ghép nhiều chủ đề, trò chơi trong tiết học, tạo cho tiết học sinh động, hấp dẫn. Ngoài ra, cô Thủy không quên nhắc học sinh phương pháp học vừa nghe, vừa ghi để đẩy nhanh tiến độ và ghi nhớ lâu hơn.

Khích lệ tinh thần đổi mới của cả thầy và trò

Qua theo dõi thực tế, việc đổi mới cách thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn nhận được sự ủng hộ và phản hồi tích cực của các cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.

Em Bùi Cao Thái Sơn, lớp 11A2, Trường THPT Đan Phượng cho biết: “Được học với cô giáo của trường khác với chúng em là một trải nghiệm thú vị. Thầy cô mới, cách thức giảng dạy mới đã mang đến cho chúng em niềm hứng khởi và có thêm động lực để hoàn thành tốt bài học. Em mong sẽ có thêm nhiều tiết học như vậy”.

Cô Nguyễn Hương Thủy, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) trong tiết dạy cho học sinh lớp 11 Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng)
Cô Nguyễn Hương Thủy, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) trong tiết dạy cho học sinh lớp 11 Trường THPT Đan Phượng 

Phương pháp sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, tiết học không chỉ bó hẹp trong một lớp học, với số ít thầy và trò mà còn có đông đảo giáo viên – là những tổ trưởng hoặc giáo viên cốt cán tổ chuyên môn của các nhà trường tham khảo, học hỏi.

Khi dạy theo phương pháp này, tiết học không chỉ có học sinh của một lớp được học mà còn kết nối với học sinh học trực tuyến ở nhiều trường, nhiều lớp khác nhau; cả thầy và trò cùng học trong không gian rộng hơn với sự góp mặt của đội ngũ chuyên gia. Chưa dừng lại, sau các tiết dạy, đội ngũ giáo viên còn ngồi lại để thảo luận, chia sẻ về cách thức, phương pháp; từ đó nâng cao chất lượng bài dạy.

“Buổi sinh hoạt chuyên đề cụm Ứng Hòa – Mỹ Đức đã trở thành diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, giảng dạy cho các nhà trường trong cụm. Đồng thời, đây cùng là cơ hội tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, giáo dục STEM, chú trọng đến những vấn đề mới, lạ, khó, dạy học liên môn của Chương trình GDPT 2018; tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục để đáp ứng yêu cầu đổi mới” - Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng Hoàng Chí Sỹ chia sẻ.

Còn Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho hay, sinh hoạt chuyên môn hướng nghiên cứu bài học là hình thức dạy học mới mẻ, tạo cơ hội để học sinh được học tập với giáo viên từ trường khác; giáo viên các trường dự giờ, nhận xét lẫn nhau, cùng nhau học hỏi, rút kinh nghiệm.

Qua đây, lãnh đạo ngành Giáo dục mong muốn có thêm một làn gió mới, một cách tiếp cận mới để giáo viên, học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố trao đổi, học tập; nhân rộng những giờ dạy hay, hiệu quả, phù hợp với học sinh.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, tới đây, ngành Giáo dục Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị sinh hoạt chuyên đề tương tự nhằm khích lệ tinh thần thi đua dạy tốt, học tốt ở tất cả các trường, tạo thêm cơ hội để giáo viên các khu vực, đơn vị được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy, giáo dục học sinh, từ đó giảm dần khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn. Đây cũng là hoạt động cụ thể hóa phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" mà ngành GD&ĐT Hà Nội đã và đang thực hiện.