Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục giảm

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua (từ ngày 10 đến 17/11), trên địa bàn TP ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (giảm 54 ca so với tuần trước đó).

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua, trong đó, Thanh Oai (209 ca); Hà Đông (206 ca), Đống Đa (199 ca), Hoàng Mai (170 ca), Thường Tín (145 ca), Thanh Trì (133 ca), Phú Xuyên (120 ca), Chương Mỹ (110 ca).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 33.489 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Trong đó, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là: Hà Đông (2.347 ca), Hoàng Mai (2.170 ca), Thanh Oai (2.087 ca)…

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Hoài Đức.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Hoài Đức.

Cũng theo CDC Hà Nội, tuần qua ghi nhận 69 ổ dịch tại 18 quận, huyện, thị xã, giảm 10 ổ dịch so với tuần trước đó. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều ổ dịch như: Đống Đa có 8 ổ dịch; 4 địa phương Thường Tín, Thanh Oai, Đông Anh, Hai Bà Trưng, mỗi nơi có 7 ổ dịch…

Tính từ đầu năm đến nay là 1.826 ổ dịch, hiện còn 159 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã. Hà Nội cũng ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết.

Theo kết quả giám sát tuýp virus Dengue lưu hành năm 2023 ghi nhận: 14 mẫu dương tính DEN1, 17 mẫu dương tính DEN2, 01 mẫu dương tính DEN3.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch: Sóc Sơn, Hai Bà Trưng, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Ứng Hòa, Đông Anh. Tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch lây lan.

Theo các chuyên gia y tế, hiện có 4 tuýp vius Dengue gây bệnh sốt xuất huyết được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Do đó, một người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong đời và lần 2 thường nặng hơn lần đầu.

2 biến chứng thường gặp nặng của sốt xuất huyết, đó là tình trạng cô đặc máu dẫn đến tụt huyết áp và sốc; biến chứng hạ tiểu cầu máu. Trong đó biến chứng cô đặc máu thường gặp hơn và có diễn biến nhanh chóng, nguy hiểm hơn rất nhiều so với biến chứng hạ tiểu cầu.

Do đó, các chuyên gia cảnh báo, nếu không nhận biết được sớm dấu hiệu cảnh báo, không điều trị đúng, bệnh có thể diễn biến rất nhanh, người bệnh dễ dẫn đến tử vong.

Liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện nay, các cơ sở y tế vẫn đáp ứng được nhu cầu điều trị của người bệnh, không xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, TP  Hà Nội lưu ý, ngành Y tế Thủ đô cần tiến hành rà soát lại công tác thu dung, tiếp nhận người bệnh, bảo đảm khi người bệnh sốt xuất huyết đến các cơ sở y tế phải được tiếp nhận và điều trị kịp thời.