Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số ca sốt xuất huyết tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận 96.002 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.

Ngày 19/7, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức "Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019". Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự và chỉ đạo hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Huy Chương
Tại hội nghị, ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay số ca mắc sốt xuất huyết cả nước tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đã có 6 trường hợp tử vong. Đặc biệt, trong 5 tuần gần đây số ca mắc tăng nhanh tại 34 tỉnh, TP của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Cũng theo ông Cường, nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh sốt xuất huyết là các chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi trưởng thành tại gia đình và cộng đồng đang mang tính hình thức và chưa được duy trì thường xuyên và bền vững.
Riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, toàn TP ghi nhận có 27.153 ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2018 (10.182 ca). Trong 6 tháng đầu năm 2019 có 5 ca tử vong.
Để truyền thông đạt được hiệu quả thiết thực, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều mô hình truyền thông khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, với nếp sống văn hóa riêng của cộng đồng dân cư. Tại các bệnh viện, vật tư trang thiết bị y tế, hóa chất và thuốc phải bảo đảm đủ nhu cầu để điều trị đạt hiệu quả.
Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “85% số người dân bị sốt xuất huyết ở thể nhẹ, chỉ có 5% người dân bị sốt xuất huyết nặng, thế nhưng, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa dịch, tại các bệnh viện, người bệnh nằm la liệt khắp nơi, gây ra tình trạng quá tải bệnh viện. Mấu chốt là làm truyền thông chưa tốt, khiến người dân chưa hiểu đúng về bệnh sốt xuất huyết nên cứ có biểu hiện là kéo nhau vào bệnh viện”.
Để công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo: Đối với khu vực phía Nam, cần chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Các tuyến cuối cần điều trị tích cực các trường hợp nặng, vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới; đồng thời, đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới phòng chống dịch bệnh hiệu quả.